Kỳ vọng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội sẽ "nắm tay" cùng vươn xa
Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu: Cần doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt Cải thiện năng lực cung ứng cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Tiềm năng to lớn của ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam |
Đồng thời, hiệp hội về ngành này mong các doanh nghiệp sẽ "nắm tay" nhau cùng đi xa.
Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cần nhiều hơn cơ hội kết nối. Ảnh: Nhật Thi/BCP |
Thời gian qua, các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ của thành phố Hà Nội đã được Sở Công Thương Hà Nội chủ động phối hợp với các đơn vị triển khai đến các doanh nghiệp và phát huy tác dụng tích cực. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố liên tục tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng, lĩnh vực, tập trung vào 3 nhóm ngành nghề: Sản xuất linh kiện, phụ tùng; sản phẩm phục vụ ngành dệt may - da giày; sản phẩm cho công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo.
Thành phố hỗ trợ từ phát triển thương hiệu đến ứng dụng khoa học kỹ thuật, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công trong và ngoài nước… các doanh nghiệp của thành phố có thể kết nối với doanh nghiệp trong khu vực châu Á và trên thế giới.
Thực tế có nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn chuyển đổi số, liên kết với các đối tác đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất. Đơn cử như các doanh nghiệp như TOMECO, PMTT Group, HIKARI P&T, INDEMA, ốc vít Brother, Trí Cường, cơ khí Hà Nội CNC… đã duy trì được sự tăng trưởng, thực hiện có hiệu quả các đơn hàng cung ứng sản phẩm ra thị trường trong nước và xuất khẩu.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, với định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đưa Hà Nội trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, công nghiệp xanh, thành phố đã chỉ đạo Sở Công Thương cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan, các hội, hiệp hội… trên địa bàn triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có thể nâng cao sức cạnh tranh, các chuyên gia cũng kỳ vọng Chính phủ sẽ trình Quốc hội sớm ban hành Luật Phát triển công nghiệp, trong đó có những chính sách cụ thể cho ngành công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Mặt khác, tạo mặt bằng phát triển các khu, cụm công nghiệp để các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào đầu tư. Đồng thời, kết nối doanh nghiệp tham gia các chuỗi sản xuất, kinh doanh, cung ứng trong nước và quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại…
Ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (HANSIBA) - cũng cho hay, công tác phát triển và hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh là một trong những mục tiêu trọng tâm của HANSIBA. Về việc tìm nhà cung cấp đầu vào cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ, HANSIBA đã và đang triển khai. Tuy nhiên, việc này không chỉ của riêng HANSIBA mà là của cộng đồng doanh nghiệp trong HANSIBA. Phải cùng nhau “hợp sức” để cùng làm.
Trong chương trình thăm, làm việc tại một số cơ sở sản xuất kinh doanh, trụ sở của các đơn vị hội viên trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Vân nói lên kỳ vọng rằng cộng đồng doanh nghiệp sẽ “nắm tay” đi xa cùng nhau và với “bà mối” là HANSIBA để cùng nhau hợp sức đưa ngành công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội “cất cánh” với đích đến cuối cùng là sự tăng trưởng về mặt giá trị của doanh nghiệp cũng như tăng trưởng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.