“Tiền chùa” và những trăn trở của Bộ Tài chính
Quỹ bảo hiểm y tế đâu phải... “tiền chùa” Quảng Ninh: TP Uông Bí yêu cầu chùa Ba Vàng báo cáo bổ sung về tiền công đức Quảng Ninh: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh nói gì về vụ “kiểm tra tiền công đức”? |
Đó là câu hỏi lửng chưa có lời giải, cũng là băn khoăn của Bộ Tài chính, trong báo cáo gửi Chính phủ về kết quả thực hiện thí điểm kiểm tra việc quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023.
Ảnh minh hoạ |
“Yên Tử - danh thắng cảnh, khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt mỗi năm đón trên 2 triệu lượt khách”, số liệu từ Bộ Tài chính.
Còn theo Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Uỷ viên Hội đồng trị sự, Phó Trưởng Ban Trị sự kiêm Chánh Thư ký Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, lượng khách viếng thăm chỉ khoảng 600.000 người.
Năm 2022, Yên Tử tiếp nhận 3,7 tỷ đồng tiền công đức. Khoản tiền cúng dường chỉ ngang với khu di tích lịch sử Bạch Đằng (3,3 tỷ đồng), thấp hơn so với số thu tại đền Thánh Mẫu, di tích cấp tỉnh ở phường Trà Cổ, Móng Cái (5,8 tỷ đồng) và chưa bằng 1/5 số thu tại đền Cửa Ông (20,1 tỷ đồng).
Nhìn vào số liệu này, Bộ Tài chính cũng phải băn khoăn về tính khách quan trong việc tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức tại Yên Tử, dù việc này có sự phối hợp của nhiều bên liên quan.
Và, Bộ Tài chính cũng chỉ ra một thực tế phản cảm, ảnh hưởng đến những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo. Đó là tình trạng rải, rắc, gài tiền lẻ ở gốc cây, tay tượng, giá chuông, khe cửa sổ, mái chùa, giếng nước…
Đó là tình trạng du khách đặt tiền trên các ban thờ, trên mâm lễ, và cả những khoản tiền chuyển khoản.
Những khoản tiền này thường cao hơn so với tiền bỏ hòm công đức rất nhiều như chính đánh giá của du khách được thể hiện trong báo cáo.
Như Yên Tử chẳng hạn, từ năm 2007 đến tháng 4/2023, tổng thu tiền trong hòm công đức là 287 tỷ đồng; số thu tiền công đức thực tế cao hơn số thu trong báo cáo gửi đoàn thanh tra khoảng 351 tỷ đồng (cao hơn 2,2 lần).
Song, những khoản tiền công đức dưới hình thức đặt lễ, chuyển khoản lại không được phản ánh trong báo cáo gửi Đoàn thanh tra. Ý sâu xa trong báo cáo Bộ Tài chính muốn thể hiện, nói một cách sòng phẳng, chính xác: Những khoản tiền này có được ghi chép đầy đủ, và được sử dụng như thế nào?
Dân gian chúng ta khi nói về sự chi tiêu phung phí vẫn hay dùng khái niệm “tiền chùa”.
Bản chất đó là tiền trong các thùng công đức, được khách thập phương công đức để nhà chùa làm việc thiện, sửa sang cơ sở thờ tự, hoặc lo cho việc hương khói… Theo Thông tư 04 của Bộ Tài chính, khoản tiền này phải được ghi chép đầy đủ.
Nghĩa đen của cụm từ “tiền chùa” vốn tốt đẹp như vậy, nhưng hiện được hiểu theo một nghĩa tiêu cực rất xấu: Chỉ một khoản tiền “trên trời rơi xuống” nhưng không phải nộp thuế, không cần báo cáo, đúng nghĩa như xài “tiền chùa”… !
Hiện cả nước có trên 54.000 di tích, trong đó có 123 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, gần 4.000 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 10.000 di tích xếp hạng cấp tỉnh và trên 40.000 di tích đã được đưa vào danh mục kiểm kê của địa phương theo quy định của Luật Di sản văn hoá.
Thực tế tại Quảng Ninh đã cho thấy, người dân có nhu cầu rất lớn trong việc công đức, tài trợ cho các di tích và lễ hội. Thế nên, việc kiểm tra tổng thể vấn đề quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên toàn quốc là thực sự cần thiết, là dịp để tổng hợp, đánh giá đầy đủ hơn về hoạt động này.
Phải rạch ròi, phải làm sáng tỏ và xử lý nghiêm những vi phạm nếu có.
Không để tiền mồ hôi nước mắt, tiền công sức của mỗi người vì tín tâm mang đến được ghi chép một cách nhập nhèm; thậm chí là những “nhóm lợi ích” trục lợi, chi tiêu phung phí tiền chùa như "tiền chùa", hay "của chùa" đúng như nghĩa bóng dân gian vẫn nói.