Thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ: Chuyên gia nói gì?
Thị trường bảo hiểm nhân thọ: Cơ hội đến từ hội nhập Chuyên gia, luật sư "mách nước" các lưu ý khi mua bảo hiểm nhân thọ cho người dân Thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết số 101/2023/QH15 Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Trong đó có nội dung yêu cầu Chính phủ phối hợp các cơ quan liên quan thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư.
Trả lời Báo Công Thương, Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho biết, thị trường bảo hiểm nhân thọ thời gian qua tồn tại một số vấn đề cần chấn chỉnh, thay đổi để đảm bảo tính minh bạch, công bằng và bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng việc thanh tra toàn diện, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm sẽ giúp lành mạnh thị trường bảo hiểm nhân thọ, đảm bảo lợi ích chính đáng của khách hàng |
Cụ thể, một số nhân viên tư vấn bảo hiểm nhân thọ có hành vi cung cấp thông tin không chính xác, thiếu minh bạch và thậm chí sai lệch để tăng doanh số bán hàng. Điều này dẫn đến sự mất lòng tin và thiệt hại cho người mua bảo hiểm.
Nhiều khách hàng cũng phản ánh những bất cập về hợp đồng, nhân viên ngân hàng “ép” mua bảo hiểm nhân thọ khi vay tiền hoặc mồi chài người gửi tiền chuyển sang mua bảo hiểm liên kết đầu tư.
Thứ nữa, một số công ty bảo hiểm nhân thọ không cung cấp đầy đủ thông tin chính xác về sản phẩm, điều kiện, quyền lợi và rủi ro liên quan đến bảo hiểm cho khách hàng. Điều này gây ra sự bất ngờ và khó khăn cho khách hàng khi gặp phải tình huống không mong muốn.
Đặc biệt, có những trường hợp gian lận như giả mạo thông tin khách hàng, cung cấp thông tin không chính xác…
Trong khi đó, chiều ngược lại, quy trình đòi hỏi bồi thường trong bảo hiểm nhân thọ bị phản ánh rườm rà, phức tạp… dẫn đến khó khăn và mất thời gian cho khách hàng khi gửi yêu cầu bồi thường.
“Do đó, việc Quốc hội yêu cầu Chính phủ phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, trong đó tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư đã nhận được sự quan tâm lớn của người dân”, Luật sư Bình nhấn mạnh.
Theo Luật sư Bình, việc thanh tra toàn diện và chấn chỉnh thị trường bảo hiểm nhân thọ là một biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của khách hàng, đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong hoạt động của các công ty bảo hiểm và góp phần định hình một thị trường bảo hiểm nhân thọ lành mạnh, bền vững.
“Hoạt động thanh tra và chấn chỉnh nên tập trung vào việc kiểm tra hoạt động của các nhân viên tư vấn và ngân hàng liên quan để đảm bảo tuân thủ các quy định cùng quyền lợi của khách hàng. Thông qua việc áp dụng các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, chấn chính và xử phạt (nếu có sai phạm) sẽ khiến các nhân viên tư vấn và ngân hàng hoạt động đúng theo quy định, luôn đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu”, Luật sư Bình cho hay.
Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, việc thanh tra và chấn chỉnh chỉ là một phần trong quá trình cải thiện toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ. Cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan như cơ quan quản lý, ngành bảo hiểm, ngân hàng và người tiêu dùng để tạo ra một môi trường lành mạnh và minh bạch cho ngành bảo hiểm. Thông qua việc thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, cơ quan quản lý có thể tăng cường sự kiểm soát và quản lý trong lĩnh vực này.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế- PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng: thị trường kinh doanh bảo hiểm nhân thọ còn tồn tại nhiều vấn đề. Phản ánh của người dân liên quan đến việc áp đặt việc mua bảo hiểm nhân thọ khi vay tiền hay tư vấn “dụ” chuyển đổi tiền gửi sang liên kết đầu tư có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng. Những sai sót như nhân viên tư vấn sai, ép buộc mua bảo hiểm và thiếu tính minh bạch trong việc liên kết đầu tư có thể dẫn đến việc khách hàng không được đảm bảo đầy đủ lợi ích và bị thiệt hại về mặt tài chính.
Để giải quyết vấn đề này, cần có sự can thiệp của cơ quan quản lý, bao gồm việc tăng cường quản lý và giám sát, nhằm đảm bảo tính minh bạch, đúng đắn trong quy trình tư vấn, bán hàng. Ngoài ra, việc nâng cao kiến thức và ý thức của khách hàng về bảo hiểm cũng rất quan trọng.
Nhưng theo ông Long, để xảy ra những sai sót có phần trách nhiệm của cơ quan quản lý. Trách nhiệm của cơ quan chức năng là đảm bảo sự tuân thủ quy định của các công ty bảo hiểm và các nhân viên tư vấn. Nếu cơ quan chức năng quyết liệt ngay từ đầu, tăng cường giám sát và xử nghiêm các hành vi vi phạm, những sai sót trong quá trình tư vấn, bán hàng bảo hiểm nhân thọ sẽ hạn chế rất nhiều.
“Việc giảm thiểu sai sót và đảm bảo quyền lợi của khách hàng trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đòi hỏi sự hợp tác của các bên liên quan, bao gồm cả cơ quan quản lý, công ty bảo hiểm và người tiêu dùng”, ông Long khẳng định.