Nhiều giải pháp hỗ trợ xuất khẩu lao động tại các huyện nghèo
Ảnh: Minh họa
Khó khăn nguồn “đầu vào”
Tại cuộc tọa đàm về giảm nghèo bền vững nhân kỷ niệm Ngày vì người nghèo, bà Hoàng Kim Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Thực hiện chương trình đẩy mạnh XKLĐ tại các huyện nghèo nhất nước theo Đề án 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững cho 63 huyện nghèo nhất cả nước, đến nay sau gần 5 năm, cả nước đã có hơn 9.500 lao động tại các huyện nghèo đi XKLĐ. Trong đó, lao động thuộc hộ nghèo và người dân tộc thiểu số chiếm trên 90%.
Lao động tại các huyện nghèo đã có mặt tại hầu hết các thị trường từ khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc đến các thị trường dễ hơn như Malaysia, Trung Đông... Nhìn chung, người lao động các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài đều có việc làm và thu nhập ổn định, trung bình khoảng 6,5-7,5 triệu đồng/tháng ở thị trường Libya, UAE, Ả-rập Xê-út và Macao; từ 5-7 triệu đồng/tháng ở thị trường Malaysia; 15-22 triệu đồng/tháng ở thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tuy nhiên, theo bà Hoàng Kim Ngọc, so với mục tiêu đề ra, tốc độ thực hiện đề án như hiện nay là khá chậm. Các DN tham gia tuyển chọn, đào tạo và đưa lao động xuất khẩu tại 63 huyện nghèo nhất nước đang gặp khó khăn về nguồn “đầu vào”. Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là do tâm lý chung của người lao động e ngại những rủi ro có thể xảy ra khi lao động tại nước ngoài. Bên cạnh đó, hầu hết những người lao động tại các huyện nghèo có sự hạn chế về nhận thức, chưa có nhiều hướng tiếp cận các nguồn thông tin và cơ sở XKLĐ chính thống. Chính vì vậy, việc tuyển dụng người ở các huyện nghèo đi XKLĐ gặp rất nhiều thử thách.
Nhiều giải pháp đồng bộ
Trước tình hình trên, ngay trong năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, Bộ LĐ-TB&XH đã có nhiều giải pháp đồng bộ để chấn chỉnh, trong đó có việc lựa chọn kỹ hơn và công khai tên các DN được phép đưa người đi XKLĐ. Tháng 9/2014, Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố bảng xếp hạng các DN tuyển dụng đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài. Trong đó, có trên 70% DN tham gia xét duyệt đạt xếp hạng xuất sắc. Theo Giám đốc ILO tại Việt Nam, ông Gyorgy Sziraczki, cùng với sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài dự báo sẽ tăng. Điều này đòi hỏi vừa phải bảo vệ tốt hơn người lao động đi làm việc ở nước ngoài, vừa cải thiện chất lượng dịch vụ của DN tuyển dụng.
Bộ cũng tăng cường chỉ đạo chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân bằng những hành động cụ thể. Đồng thời, Bộ chỉ đạo các ngành liên quan và các tỉnh thực hiện đầy đủ các chính sách về hỗ trợ chi phí XKLĐ cho lao động ở các huyện nghèo; tổ chức tập huấn cho cán bộ cấp huyện, xã, thị trấn về nghiệp vụ công tác XKLĐ nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về lao động.
Trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH cũng sẽ rà soát lại chính sách cũng như các phương thức triển khai theo hướng không chạy theo số lượng mà tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn để người lao động tại 63 huyện nghèo có thể tiếp cận được những thị trường có thu nhập cao. Ngoài ra, Bộ cũng lên các phương án triển khai kiểm tra, đánh giá tính hiệu quả; tổng kết và phổ biến rộng các mô hình hay, cách làm tốt, hiệu quả. Từ đó, đề xuất sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách theo hướng thuận lợi hơn cho các cơ quan quản lý, DN và cho người lao động để dễ triển khai thực hiện, tăng mức hỗ trợ kinh phí và mở rộng đối tượng cận nghèo hoặc đối tượng vừa thoát nghèo để tăng phạm vi tuyển dụng./.
Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020”: Đưa thí điểm 5.000 lao động các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2009-2010 và 50.000 người trong giai đoạn 2011-2015 cùng nhiều chính sách ưu đãi về cho vay vốn lãi suất thấp, miễn phí đào tạo nghề, học ngoại ngữ, ăn ở, đi lại và giáo dục định hướng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo đi XKLĐ. |
Thu Hà