Nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia
Kỳ bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021 đã được tổ chức thành công với 200 sản phẩm đạt các tiêu chí và được bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia.
Theo bà Trương Hương Lan - Phó Trưởng ban Ban giám khảo Chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021, kỳ bình chọn năm nay có số lượng sản phẩm tham gia nhiều nhất từ trước đến nay (310 sản phẩm), khá đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Riêng nhóm chế biến các sản phẩm nông lâm thủy sản ngoài một số lượng nhỏ sản phẩm đã dự thi ở những kỳ trước, đa số là các sản phẩm mới.
Ở nhóm thủ công mỹ nghệ (TCMN), ông Vũ Hy Thiều - thành viên Ban giám khảo Chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021 - cho hay: So với các sản phẩm TCMN hiện đang xuất khẩu hay bán trên thị trường, các sản phẩm được lựa chọn có khá hơn nhưng chưa thực sự vượt trội. Tuy vậy, cũng có một số sản phẩm thực sự tiêu biểu như: Lụa cao cấp của cơ sở Sơn Thủy (Hà Nam), lụa của Công ty Bảo Lộc (Lâm Đồng), tre đan dân dụng của Hợp tác xã Bao La (Thừa Thiên Huế), bộ chao đèn tre đan của Công ty Đức Phong (Nghệ An), hộp sơn mài của làng Hạ Thái (Hà Nội), bộ ga, gối thêu của Công ty Mặt Trời Xanh (Ninh Bình)…
Cũng theo bà Trương Hương Lan, qua nhiều năm theo dõi, chất lượng của các sản phẩm tham gia bình chọn có chiều hướng tăng. Nhiều sản phẩm có thương hiệu, có thị trường tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu tham gia dự thi nhưng cũng nhiều sản phẩm của các cơ sở nhỏ nhưng tiêu biểu mang tính chất vùng miền cũng rất tự tin tham dự. Một đặc điểm khác biệt nữa, chất lượng của các sản phẩm được giải đồng đều ở mức cao, điều này dẫn đến số lượng sản phẩm được giải cũng cao hơn mọi năm và đây là tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển của các cơ sở CNNT.
Điều chỉnh một số tiêu chí nhằm gia tăng tính hấp dẫn cho công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu |
Bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia đã qua nhiều lần tổ chức, tính phù hợp của các tiêu chí cũng như sức hấp dẫn của công tác bình chọn đã được đặt ra. Về vấn đề này, bà Trương Hương Lan- cho rằng: Các tiêu chí bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu đã được đặt ra khá toàn diện, từ khả năng phát triển của sản phẩm, chất lượng và kiểm soát chất lượng sản phẩm, thẩm mỹ, môi trường… Do vậy đã khá bám sát với thực tế sản xuất và yêu cầu thị trường. Tuy nhiên, điểm trong các tiêu chí cần có sự điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tế. Ví dụ, doanh nghiệp càng ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại thì số lượng lao động càng ít đi, do vậy cần cân nhắc thang điểm ở tiêu chí này. “Đồng thời, nên tích hợp một số tiêu chí lại vì việc chia nhỏ quá nhiều tiêu chí (20 tiêu chí) sẽ rất khó chấm điểm”, bà Hương Lan đề xuất.
Cho rằng sự quan tâm của các địa phương trong công tác bình chọn chưa đồng đều dẫn đến bỏ sót những sản phẩm thực sự tiêu biểu, thực sự có tiềm năng. Để khắc phục tình trạng này, đồng thời để công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu có hiệu quả hơn, ông Vũ Hy Thiều - đề xuất: Cần có sự vận động, hướng dẫn sâu rộng hơn, chú trọng đồng đều các địa phương, gợi ý đến những sản phẩm đặc trưng của từng địa phương. Nên tổ chức tư vấn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lựa chọn đúng sản phẩm để tham gia bình chọn. Nếu có điều kiện, nên tổ chức tư vấn phát triển sản phẩm cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, không chỉ để tham gia bình chọn mà thực sự giúp cho các cơ sở phát triển sản phẩm tốt hơn.
Cùng đó, nên có hình thức hỗ trợ cụ thể các sản phẩm đã được bình chọn, kết hợp hơn nữa với hoạt động khuyến công để các địa phương có thể phát huy tốt hơn thế mạnh của mình. Trong đó, coi trọng hỗ trợ cải tiến công nghệ để sản xuất những sản phẩm đã được bình chọn có hiệu quả hơn.
Cải tiến công tác bình chọn, thời gian bình chọn cũng nên rút ngắn lại để nhanh chóng phát huy giá trị thực tế của việc công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu. Hiện nay, mỗi sản phẩm phải trải qua 1 năm bình chọn ở cấp tỉnh, 1 năm bình chọn ở cấp khu vực, 1 năm ở cấp quốc gia. Sau 3 năm, tính thời sự của sản phẩm không còn, thậm chí dễ trở thành sản phẩm cũ, không có tính hấp dẫn với thị trường, giá trị của kết quả bình chọn không phát huy được. “Nên chăng ở cấp khu vực, nên chọn ngay ra một số sản phẩm tiêu biểu nhất để công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia. Như vậy, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sẽ tranh thủ ngay được kết quả bình chọn để làm tăng sự hấp dẫn của sản phẩm trên thị trường”, ông Vũ Hy Thiều nói.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)