Liên kết vùng: Hiệu quả cho quy hoạch nông nghiệp
Ảnh: Internet
Vừa thiếu vừa thừa
Nói về quy hoạch cho nông nghiệp tại các địa phương, PGS.TS Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn II (TPHCM) lo lắng: “Chúng ta say sưa với việc hoạch định chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế tỉnh, với tiêu chí GDP tỉnh, cơ cấu kinh tế tỉnh. Tỉnh nào cũng cần những con số đẹp về GDP và cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng tỉ trọng giá trị sản xuất công nghiệp bằng mọi giá”.
Sau một thời gian phát triển theo tư duy này, người ta mới ngộ ra rằng, phải phát triển kinh tế theo vùng. Do đó, các địa phương đang phải “ngồi lại” với nhau để bàn phương án liên kết vùng. Đó là quy trình ngược, theo kiểu “thả gà ra vườn rồi phải đi bắt lại từng con để nhốt vào chuồng”.
Trong khi đó, quá trình phát triển công nghiệp và đô thị trong những năm qua đã kéo người nông dân rời bỏ đồng ruộng vào làm việc ở các khu công nghiệp. Quá trình này cũng phần nào hạn chế nguồn cung đất nông nghiệp cho thị trường đất đai. Tích tụ đất đai mới có thể tạo ra các trang trại sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, thực hiện thực hành nông nghiệp tốt (GAP), làm ra nông sản bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm với giá cả đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước...
Nhìn vào thực tế trên, có thể thấy sự “thiếu” của quy hoạch cho nông nghiệp, nhưng ở nhiều khía cạnh, các quy hoạch này lại đang “thừa” và kém hiệu quả.
Lấy ví dụ điển hình trong lĩnh vực chăn nuôi, TS. Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đặt vấn đề: “Việt Nam hiện nay không thấy có quy hoạch đất cho trồng cây nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là thức ăn gia súc. Trong khi đó, nước ta phải nhập khẩu thức ăn chăn nuôi giá trị hơn 4 tỉ USD mỗi năm.”
TS. Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Không thể nói Việt Nam không có quy hoạch. Trong ngành chăn nuôi, có các quy hoạch về đối tượng sản xuất cây gì, con gì và cả các giải pháp về đồng cỏ, diện tích canh tác...
“Không phải không có quy hoạch mà có quá nhiều quy hoạch thì đúng hơn. Vấn đề ở chỗ quy hoạch thế nào và ai thực thi nó? Thực tế có tình trạng quy hoạch và thực tế không dễ khớp”, ông Thịnh chia sẻ.
Điển hình như cây hồ tiêu được quy hoạch 50.000 ha nhưng khi giá tăng lên hơn 200 triệu đồng/tấn, diện tích cây trồng này đã vượt lên thành 250.000 ha. Chuyện quy hoạch diện tích cây nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, ví dụ ngô, đậu tương, không phải không có mà là quy hoạch nhưng mãi không thấy trồng ra được cây.
“Cái vướng là có chính sách nhưng không có giải pháp thực thi. Thành ra, có rất nhiều chính sách, nhưng không kiểm tra, giám sát thực thi chính sách”, ông Thịnh nhìn nhận.
Thị trường “dẫn lối” cho sản xuất
Thực tế thị trường luôn “dẫn lối” cho sản xuất và quy hoạch phải phục vụ được định hướng sản xuất đó.
Tiếp tục câu chuyện về quy hoạch, GS. Võ Tòng Xuân cho hay, quy hoạch đất đai sản xuất nông nghiệp thì thực ra tỉnh, huyện, xã đều làm từ lâu. Nhưng vấn đề chính là khi quy hoạch trồng cây gì thì ai sẽ mua sản phẩm đó. Chủ trương về bảo đảm an ninh lương thực là tư duy phổ biến nên lâu nay, “cứ động đến đất lúa là ai cũng sợ”.
Theo GS. Võ Tòng Xuân, khi có thị trường tiêu thụ thì bảo nông dân làm không khó. Ví dụ câu chuyện tại tỉnh Tây Ninh, khi đang trồng mía, lãi chỉ được khoảng vài triệu đồng mỗi ha, thậm chí còn lỗ. Nhưng thấy khoai mì (sắn) có giá tăng cao, người dân bỏ mía chuyển sang trồng khoai mì, lãi mấy chục triệu đồng mỗi ha.
“Họ làm thế cũng đúng thôi, tránh sao được. Cho nên nói dồn điền đổi thửa để giảm manh mún đất đai là đúng, nhưng cần phải ghép lại trên cơ sở hợp tác sản xuất để có sản phẩm tốt và đáp ứng đúng nhu cầu thị trường. Không nên ghép đất đai lại để sản xuất ra sản phẩm không hợp thị trường hoặc thị trường không cần”, GS. Xuân bình luận.
PGS.TS Vũ Trọng Khải cho rằng: “Khi xác định chiến lược sản phẩm quốc gia theo vùng kinh tế-sinh thái là trước hết xác định thị trường, khách hàng mục tiêu - tiêu thụ nội địa hay xuất khẩu, ở những mức độ khác nhau của mỗi loại nông sản, chứ không phải chạy theo kim ngạch xuất khẩu”.
Một trong những tín hiệu lạc quan là hiện nay, nhiều địa phương đã dứt bỏ được tư duy cục bộ để có thể ngồi lại với nhau, cùng bàn thảo chiến lược phát triển kinh tế theo vùng. Chiến lược đó sẽ giúp phân bổ hiệu quả nguồn lực, phát huy thế mạnh để cho ra sản phẩm theo đúng tín hiệu của thị trường.
Thông qua những phương án chiến lược cho các sản phẩm thế mạnh, thì việc quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng cũng được thiết lập theo vùng kinh tế sinh thái chứ không của riêng tỉnh, thành phố nào. Các tỉnh cùng hướng về quy hoạch chung của vùng để quyết liệt chỉ đạo sản xuất theo mùa vụ chung, khi đó quy hoạch sản xuất nông nghiệp mới thực sự phát huy được đầy đủ thế mạnh./.
Theo Báo điện tử Chính phủ