Lãi suất đã giảm, chờ tín dụng khởi sắc
Rủi ro tín dụng, nợ xấu là những thách thức lớn của ngành trong năm 2023 Phó Thống đốc NHNN lý giải nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp |
Ngày 16-6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành 3 quyết định cắt giảm một loạt lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng, áp dụng từ ngày 19-6.
Kéo đà giảm lãi suất tiền gửi
Đây là lần thứ 4 kể từ đầu năm đến nay, NHNN điều chỉnh giảm lãi suất, nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN) tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất - kinh doanh.
Các quyết định đưa ra trong bối cảnh lãi suất bình quân liên NH kỳ hạn qua đêm trong 2 tuần qua giảm khá mạnh, còn 1,65%/năm. Lãi suất liên NH kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng cũng giảm, còn lần lượt 1,92%/năm, 2,11%/năm và 4,36%/năm. Bên cạnh đó, NHNN cũng tăng cung tiền ra thị trường thông qua việc thu mua ngoại tệ từ các NH thương mại. Số liệu cho thấy từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã mua khoảng 6 tỉ USD. Với giá mua vào 23.450 đồng/USD, ước tính khoảng 140.000 tỉ đồng đã được bơm ra thị trường, giúp thanh khoản của nhiều NH thương mại trở nên dồi dào.
Ông Phan Đình Tuệ, thành viên HĐQT NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cho biết ngay khi NHNN ban hành các quyết định hạ lãi suất điều hành, hội đồng điều hành lãi suất của Sacombank đã họp để đánh giá, xem xét tình hình huy động vốn và cho vay. Theo đó, Sacombank sẽ giảm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng đúng quy định, còn các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên có thể tăng hoặc giảm theo tín hiệu thị trường.
Một lãnh đạo cấp cao của NH TMCP Á Châu (ACB) thông báo ngay trong chiều 16-6, Ban Điều hành ACB đã họp và quyết định giảm lãi suất tiền gửi tại quầy đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng thấp so với mức trần 4,75%/năm, còn lãi suất tiền gửi online kỳ hạn dưới 6 tháng áp dụng theo mức trần này. Riêng lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, ACB giảm 0,2-0,3 điểm % so với biểu lãi suất trước đó.
Theo lãnh đạo ACB, động thái hạ lãi suất của NHNN đang kéo đà giảm lãi suất tiền gửi và cho vay tại các NH thương mại, trong bối cảnh lãi suất cho vay trên 10%/năm vẫn được đánh giá rất khó khăn cho khách hàng DN. "NH đang cho vay ngắn hạn với lãi suất khoảng 8,5%/năm. Với việc giảm lãi suất tiền gửi mới nhất, lãi suất cho vay trong thời gian tới có thể giảm thêm" - lãnh đạo ACB nhận định.
Theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 19-6, các ngân hàng thương mại sẽ đồng loạt giảm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng. Ảnh: TẤN THẠNH |
Gỡ khó cho người dân, doanh nghiệp
Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho rằng việc NHNN quyết định giảm tiếp một số lãi suất điều hành là một động thái mạnh mẽ, phù hợp trong bối cảnh áp lực tăng lãi suất và tỉ giá đã, đang giảm đáng kể. Thực tế, mặt bằng lãi suất của Việt Nam đã giảm 1-1,5 điểm % và tỉ giá USD/VNĐ thậm chí giảm nhẹ 0,57% so với đầu năm.
Cũng theo ông Lực, lạm phát của Việt Nam dù còn cao nhưng đang giảm dần từ tháng 2-2023. Trong bối cảnh sức cầu còn yếu, vòng quay tiền chậm, cung tiền còn ở mức thấp (cả năm tăng khoảng 9%-10%), nên CPI bình quân cả năm trong tầm kiểm soát (dự báo tăng khoảng 4%). Thị trường tiền tệ trong nước cơ bản ổn định, thanh khoản hệ thống NH dồi dào hơn, cầu tín dụng yếu. Hết 5 tháng đầu năm, tín dụng mới tăng 3,17% so với mức tăng 8,09% cùng kỳ năm trước, trong khi huy động vốn ước tăng 2%, gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái…
"Các động lực tăng trưởng chính như xuất khẩu, đầu tư tư nhân, đầu tư FDI và sản xuất công nghiệp vẫn giảm; đầu ra - đơn hàng cho DN và nhiều lĩnh vực như bất động sản, xây dựng, điện tử, điện thoại, dệt may, da giày, gỗ, thủy hải sản... còn nhiều khó khăn. Việc giảm lãi suất là một trong những giải pháp hỗ trợ vượt khó cho người dân, DN, thúc đẩy tăng trưởng" - ông Lực nhận định.
Phân tích cụ thể về tác động của việc giảm lãi suất điều hành, TS Cấn Văn Lực cho hay việc giảm lãi suất sẽ hỗ trợ tổ chức tín dụng trong việc tiếp cận vốn từ NHNN qua các công cụ như cho vay tái chiết khấu, tái cấp vốn, liên NH. Qua đó giúp các tổ chức tín dụng có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất huy động và cho vay. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn khi lãi suất giảm trong thời gian tới.
Lãi suất giảm (đối với cả nợ cũ và vay mới) sẽ hỗ trợ khách hàng DN giảm một phần chi phí tài chính. DN cũng có thể huy động vốn mới (vay nợ, phát hành trái phiếu) với lãi suất thấp hơn, vừa góp phần tăng khả năng trả nợ, giảm rủi ro nợ xấu, giảm chi phí đầu vào vừa tạo điều kiện giảm giá đầu ra tương ứng, qua đó kích thích tiêu dùng.
Ông Hoàng Huy, chuyên viên phân tích chiến lược Công ty Chứng khoán Maybank, nhận định dù đã 3 lần giảm lãi suất để hạ nhiệt lãi suất cho vay nhưng vẫn chưa đủ tác động đến nền kinh tế vì chi phí vốn của NH vẫn còn cao. Chỉ số CPI tháng 5-2023 ở mức thấp 2,43% đã giúp NHNN mạnh dạn hơn trong việc cắt giảm lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng ở lần thứ 4 này, nhằm hỗ trợ phục hồi sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh các chỉ số vĩ mô còn yếu.
Dưới góc nhìn khác, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo nhiều NH thương mại nhìn nhận việc giảm lãi suất là cần thiết nhưng việc giải quyết bài toán đầu ra về đơn hàng, thị trường cho DN cũng rất quan trọng. Thực tiễn cho thấy hầu hết NH không thiếu vốn, thậm chí rất muốn tìm khách hàng tốt để cho vay nhưng không dễ. Ngược lại, rất nhiều DN không có nhu cầu vay vốn vì đầu ra còn yếu, sức cầu tiêu thụ và đơn hàng xuất khẩu đều chưa cải thiện nhiều.
Lãi suất điều hành giảm thêm 0,25% - 0,5% Trong 3 quyết định ban hành ngày 16-6 của NHNN, Quyết định số 1323/QĐ-NHNN quy định lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên NH và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ 5%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 3,5%/năm xuống 3%/năm. Còn tại Quyết định số 1324/QĐ-NHNN, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5%/năm xuống 4,75%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VNĐ tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,5%/năm xuống 5,25%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường. Ngoài ra, theo Quyết định số 1325/QĐ-NHNN, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 4,5%/năm xuống 4%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm. |
Theo dõi kỹ lạm phát Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cùng nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa có báo cáo đánh giá nhanh về động thái giảm tiếp lãi suất điều hành của NHNN. Theo đó, nhóm chuyên gia này cho rằng cần theo dõi kỹ lạm phát vì áp lực lạm phát của Việt Nam vẫn còn do có độ trễ nhập khẩu lạm phát; giá một số mặt hàng do nhà nước quản lý có thể tăng như giá điện, phí y tế - giáo dục, lương cơ sở tăng từ ngày 1-7... Tuy nhiên, cũng không quá quan ngại lạm phát trong năm nay, do lạm phát và giá cả toàn cầu đang giảm, tỉ giá ổn định, sức cầu còn yếu, vòng quay tiền còn chậm, dự báo CPI bình quân cả năm tăng khoảng 4%. Khuyến cáo được đưa ra là cần nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, giá cả và các chính sách vĩ mô khác nhằm chủ động kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. |