Căng thẳng địa chính trị tiếp diễn đẩy giá dầu phục hồi
Kết thúc ngày giao dịch 25/3, thị trường dầu thô đón nhận lực mua tích cực trở lại trong bối cảnh rủi ro địa chính trị tại cả khu vực Trung Đông và xung đột giữa Nga – Ukraine đều diễn biến phức tạp. Ngoài ra, nỗ lực thắt chặt nguồn cung từ Nga cũng củng cố cho đà tăng của giá dầu ngay trong phiên. Chốt ngày, giá dầu WTI tăng 1,64% lên sát 82 USD/thùng. Dầu Brent kỳ hạn tháng 6 tăng 1,47% lên mức 86,08 USD/thùng.
Chính phủ Nga đã yêu cầu các công ty giảm sản lượng dầu trong quý II để đảm bảo đáp ứng mục tiêu sản xuất 9 triệu thùng/ngày vào cuối tháng 6 theo cam kết với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), theo thông tin trích dẫn từ hãng tin Reuters. Việc cắt giảm sản lượng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình bảo trì cao điểm theo mùa tại các nhà máy lọc dầu của quốc gia này.
Trong tháng này, ít nhất 7 nhà máy lọc dầu của Nga đã bị máy bay không người lái từ phía Ukraine tấn công, ảnh hưởng tới khoảng 12% tổng công suất chế biến dầu của Nga. Điều đó khiến cho nguồn cung dầu thô trở nên cạnh tranh hơn, kéo theo lực mua áp đảo đặc biệt ngay sau thông tin nỗ lực thắt chặt sản lượng từ Nga.
Sản lượng dầu khí ngưng tụ của Nga đã giảm từ mức cao nhất hàng năm là 11,7 triệu thùng/ngày trong năm 2019 xuống còn khoảng 10,8 triệu thùng/ngày trong những tháng gần đây do các hành động phối hợp với OPEC.
Dữ liệu từ các nguồn cung cấp và tính toán của Reuters cho thấy sản lượng dầu của Nga trong tháng 4, tháng 5 và tháng 6 dự kiến sẽ giảm lần lượt khoảng 3,6%, 4,1% và 4,9% so với tháng 3, phù hợp với lời hứa của Nga về việc tự nguyện giảm sản lượng.
Ở một diễn biến khác, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức giữa Israel và các chiến binh Palestine Hamas, đồng thời thả tất cả con tin sau khi Hoa Kỳ bỏ phiếu trắng. Giá dầu mặc dù hạ nhiệt ngay sau thông tin, nhưng diễn biến tại Biển Đỏ vẫn còn phức tạp đã giúp dầu thô duy trì lực mua áp đảo.
Vào hôm qua, Bộ trưởng Dầu mỏ Sudan đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng đối với việc vận chuyển dầu qua đường ống tới một kho cảng gần Cảng Sudan trên bờ Biển Đỏ, làm gia tăng rủi ro nguồn cung gián đoạn. Trước đó, Nam Sudan đã gửi khoảng 150.000 thùng dầu thô mỗi ngày qua Sudan để xuất khẩu.