Yên Bái: Nâng cao giá trị sản phẩm, đưa biểu trưng OCOP trở thành nhận diện thương hiệu
Nhân rộng cơ hội tiêu thụ sản phẩm OCOP Quảng Ninh: Nâng tầm sản phẩm OCOP gắn với du lịch Chợ phiên OCOP trên TikTok thu về 100 tỷ đồng |
Theo thông tin từ UBND tỉnh Yên Bái, cùng với phát triển nhanh số lượng và không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng các kênh tiêu thụ sản phẩm, đa dạng hình thức quảng bá, giới thiệu nhằm đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn người tiêu dùng trong nước, từng bước hướng đến xuất khẩu.
Thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP
Ông Trịnh Văn Thành - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái - cho biết, sau hơn 5 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, toàn tỉnh Yên Bái có 248 sản phẩm OCOP còn hiệu lực, trong đó có 223 sản phẩm đạt 3 sao, 25 sản phẩm đạt 4 sao. Tuy nhiên, việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP chưa tương xứng với tiềm năng và những sản phẩm hiện có, sản lượng tiêu thụ chưa được như mong muốn. Do vậy, hình thành liên kết trong tiêu thụ sản phẩm là nhu cầu rất cần thiết, tạo sự ổn định và phát triển bền vững cho các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn.
“Nhờ đa dạng các mối liên kết tiêu thụ sản phẩm và sự phát triển của công nghệ, mạng Internet, truyền thông đa phương tiện... đến nay, tỉnh Yên Bái đã hình thành nhiều không gian quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là sự tham gia các sàn thương mại điện tử trong việc tiêu thụ sản phẩm OCOP làm thay đổi mối quan hệ thị trường và phương thức bán hàng truyền thống”, ông Trịnh Văn Thành cho hay.
Tại tỉnh Yên Bái, quá trình kết nối cung, cầu trên sàn thương mại điện tử diễn ra nhanh chóng, thuận tiện cho nhiều loại sản phẩm từ nhiều nhà sản xuất, đến với nhiều người tiêu dùng cùng lúc, từ đó, thị trường tiêu thụ liên tục được mở rộng, đáp ứng nhu cầu giao thương sản phẩm OCOP của các địa phương.
Thực tế cho thấy, mối liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP rất đa dạng với nhiều hình thức giao dịch, các chuỗi phân phối được hình thành, nhất là sự tham gia của các kênh bán hàng hiện đại đã thúc đẩy tiêu dùng đối với sản phẩm OCOP. Phần lớn các sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái đã được đưa vào các hệ thống phân phối lớn trên địa bàn cả nước như: Go!, Mega Market, Saigon Co.op, Winmart…, các sàn thương mại điện tử uy tín như: Alibaba, Sendo, Shopee, Postmart.vn, Voso.vn,Viettel Post...
Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái đang được hỗ trợ xúc tiến thương mại, đưa lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Ngọc Giáp |
Ông Nguyễn Chí Cương - Giám đốc Bưu cục Viettel Post Yên Bái - cho biết, cũng như nhiều đơn vị khác liên kết với các cơ sở sản xuất tham gia tiêu thụ sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử, Viettel Post Yên Bái đã cử cán bộ trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn về đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; quy định về chất lượng hàng hóa theo cam kết; kỹ năng hoạt động thương mại trên môi trường số; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm...
Hoạt động kết nối cung, cầu diễn ra ngay từ giai đoạn sản xuất, tạo mối quan hệ chặt chẽ, kịp thời trao đổi thông tin giữa sản xuất và thị trường. Bên cạnh các kênh bán hàng trực tiếp, tỉnh Yên Bái đã và đang đẩy mạnh liên kết xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch thông qua các sự kiện ẩm thực, văn hóa, thể thao... Nhờ đó, các sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái đã được đông đảo người tiêu dùng biết đến.
Nhờ liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm nông sản Yên Bái đang có đơn đặt hàng tăng đột biến, duy trì sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Điển hình là một số sản phẩm nông sản như: quế Văn Yên, chè Shan tuyết, gạo Séng cù, chè Bát tiên, bưởi Đại Minh, miến đao Quy Mông, trà Shan Thịnh, măng tre Bát độ, mật ong Mù Cang Chải...
Nhiều chính sách hỗ trợ kết nối tiêu thụ
Ông Đoàn Lê Khoa - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Yên Bái - cho biết, thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã giúp sức các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP thông qua các hoạt động hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; tạo mã quét QR Code, thiết kế mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc, đăng ký xuất xứ sản phẩm; hỗ trợ về thông tin thị trường nông sản, nguyên liệu, vật tư đầu vào, công cụ phục vụ sản xuất; hỗ trợ tham gia các hội chợ thương mại…
Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ tham gia nhiều hội chợ triển lãm, tham dự nhiều hội nghị trực tuyến xúc tiến thương mại và tổ chức kết nối giao thương với các doanh nghiệp Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Thái Lan...
Đặc sản quả sơn tra (táo mèo) Mù Cang Chải đang hướng đến trở thành những sản phẩm OCOP đặc sản độc đáo, đặc trưng của tỉnh Yên Bái. Ảnh: Công Minh |
Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất chuyển đổi số như: Hỗ trợ đăng ký gian hàng số, địa chỉ số, tài khoản thanh toán số, truy xuất nguồn gốc số, nhãn hàng số; hỗ trợ việc đăng ký sở hữu trí tuệ, mã số vùng trồng; hỗ trợ đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác. Hiện nay, toàn tỉnh Yên Bái đã có 44 sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ; cấp được 68 mã số vùng trồng, trong đó phần lớn là những sản phẩm OCOP chủ lực.
Đặc biệt, tỉnh Yên Bái đã có nhiều chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP đưa lên các sàn thương mại điện tử, nhất là các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, hữu cơ được xác nhận theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn nhằm xây dựng thương hiệu mạnh, dẫn dắt hoạt động tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.
Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái Trịnh Văn Thành cho biết, để tiếp tục đẩy mạnh kết nối cung - cầu, tiêu thụ sản phẩm OCOP, thời gian tới, ngoài việc tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP, tỉnh Yên Bái sẽ xây dựng và quản lý đồng bộ, hiệu quả thương hiệu OCOP để nâng cao hình ảnh, giá trị sản phẩm, đưa biểu trưng OCOP tỉnh Yên Bái trở thành nhận diện thương hiệu đối với người tiêu dùng.