Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch lên tiếng về lời kêu cứu ở Hãng phim truyện Việt Nam
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố thêm 10 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì điều tra thông tin khách du lịch nội địa |
Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cho biết gặp nhiều khó khăn và vướng mắc trong quá trình triển khai các các nội dung đã được nêu trong kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam.
Liên quan đến câu chuyện Hãng phim truyện Việt Nam gần như bị bỏ rơi sau khi cổ phần hoá năm 2016, ngày 17.3, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã có những thông tin về sự việc này.
Hãng phim truyện Việt Nam hoang tàn. Ảnh: Nguyễn Thành Bình |
Theo đó, sau khi Thanh tra Chính phủ đưa ra Kết luận thanh tra số 447/KL-TTCP ngày 30.3.2018, Kết luận thanh tra số 1412/KL-TTCP ngày 23.8.2018 và Kết luận thanh tra số 1589/TB-TTCP ngày 19.9.2018 về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, Bộ VHTTDL thời gian qua đã triển khai những nội dung được nêu trong kết luận và chỉ đạo cụ thể Chính phủ nhằm giải quyết những vấn đề tồn đọng kéo dài tại đơn vị này.
Sau đó, Bộ VHTTDL đã có Công văn số 3320/BVHTTDL-KHTC (năm 2021) báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 3187/BVHTTDL-TTr (năm 2022) gửi Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện kết luận sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, đồng thời tìm phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra khi có những vấn đề vượt thẩm quyền, đòi hỏi có sự phối hợp giữa Bộ VHTTDL và các bộ, ngành có liên quan.
Cụ thể, khó khăn gặp phải liên quan đến nội dung tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Ngành nghề đầu tư của Hãng phim truyện Việt Nam không thuộc đối tượng theo danh mục ngành nghề nhà nước phải đầu tư để mua vốn tại các công ty cổ phần.
Từ khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, đồng thời quá trình hoạt động trước khi cổ phần hoá của Hãng phim không hiệu quả nên căn cứ theo quy định của Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước, hoạt động nhận lại cổ phần tại Hãng phim truyện không thuộc đối tượng nhà nước đầu tư.
Việc thực hiện nhận lại cổ phần tại Hãng phim truyện Việt Nam, Bộ Tài chính đã chấp hành ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đề xuất lấy nguồn từ Quỹ Hỗ trợ sản xuất và Phát triển doanh nghiệp để hoàn trả lại cổ phần cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, một vướng mắc khác liên quan đến vấn đề đất đai của Hãng phim truyện Việt Nam đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để; khó khăn về xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần...
Cũng trong thời gian qua, Bộ VHTTDL nhận được nhiều đơn kiến nghị của cán bộ công nhân viên Hãng phim truyện Việt Nam.
Căn cứ vào đó, Bộ VHTTDL đã đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ sớm có ý kiến hướng dẫn về việc thu hồi số cổ phần đã bán, hoàn trả tiền cho Nhà đầu tư chiến lược để giải quyết tận gốc những vấn đề vướng mắc tại hãng phim.
Bộ VHTTDL khẳng định sẽ sớm ổn định tình hình và đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật.
Lãnh đạo Bộ VHTTDL cho biết, đơn vị này sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiến độ triển khai việc thực hiện các nội dung tại kết luận Thanh tra cũng như những chỉ đạo cụ thể của Chính phủ với mong muốn giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng tại địa chỉ số 4 Thuỵ Khuê.
Trước đó, ngày 15.3 vừa qua, tại lễ kỷ niệm 70 năm điện ảnh Cách mạng Việt Nam, NSND Trà Giang bày tỏ sự bức xúc và mong muốn lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm hơn nữa với ngành điện ảnh, cứu lấy Hãng phim truyện Việt Nam.
Đồng tình với diễn viên Trà Giang, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam khẳng định: "Đã hơn 7 năm nay, toàn ngành điện ảnh vẫn không khỏi xót xa với câu chuyện cổ phần của Hãng phim truyện Việt Nam - tại đơn vị từng được coi như “cánh chim đầu đàn” của ngành điện ảnh.
Tới hôm nay, số phận và tương lai của Hãng phim truyện Việt Nam vẫn là vấn đề nổi cộm nhức nhối chưa được giải quyết dứt điểm, khiến nhiều nghệ sĩ thuộc đơn vị đã và đang phải chịu biết bao thiệt thòi khi không hề có lương hàng tháng, không có bảo hiểm xã hội, nhiều cán bộ đến tuổi nghỉ hưu chỉ được hưởng chế độ thấp”.
Năm 2016, Tổng công ty vận tải thủy Vivaso đã mua lại Hãng phim truyện Việt Nam và giữ 65% cổ phần. Dù vậy, nhiều sai phạm khi hoạt động, trong đó có việc cho thuê văn phòng, thuê đất trái thẩm quyền, vi phạm quản lý tài sản, kinh doanh lỗ liên tiếp khiến Vivaso xin thoái vốn.
Sau nhiều năm, quá trình trên không hoàn tất, những kiến nghị của cán bộ, nhân viên hãng phim không được giải quyết đẩy mâu thuẫn giữa các bên lên cao.
Đến nay, Công ty vận tải thủy Vivaso vẫn chưa rút khỏi hãng, các hoạt động của Hãng phim truyện có lịch sử 70 năm đã rơi vào bế tắc.