Bamboo Airways giảm tàu bay, tự làm dịch vụ mặt đất, tiếp viên dôi dư có việc mới
Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã phê chuẩn Tài liệu khai thác mặt đất của Bamboo Airways. Qua đó, hãng bay có đầy đủ căn cứ pháp lý để tự triển khai phục vụ mặt đất tại các sân bay nội địa, góp phần nâng cao và đồng bộ chất lượng dịch vụ của hãng từ mặt đất đến trên không.
Trên cơ sở được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn, Bamboo Airways đang chuẩn bị mọi nguồn lực để trực tiếp triển khai tự phục vụ dịch vụ mặt đất thay cho việc thuê các đối tác bên ngoài.
Bamboo Airways sẽ sử dụng một phần nhân lực dôi dư do giảm quy mô tàu bay là các tiếp viên hàng không được đào tạo thêm các nghiệp vụ để phục vụ hành khách tại sân bay |
Trước mắt, hãng đã có công văn chính thức gửi đến các cơ quan, đơn vị để thông báo về việc tiếp quản mảng quan trọng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng trong dịch vụ mặt đất là mảng phục vụ hành khách trong nhà ga. Trong đó, bao gồm làm thủ tục check-in cho hành khách, hành lý, dịch vụ tại cửa khởi hành tại sân bay Tân Sơn Nhất từ ngày 1/3. Xa hơn, Bamboo Airways sẽ hướng tới triển khai dịch vụ tương tự tại Sân bay Nội Bài.
Đại diện Bamboo Airways cho biết việc tự triển khai dịch vụ mặt đất sẽ cho phép hãng kiểm soát tốt hơn chất lượng dịch vụ và tối ưu chi phí hoạt động; tăng thêm tính chủ động cho hãng trong khai thác, đặc biệt là ở các giai đoạn cao điểm.
Đặc biệt, hãng sẽ sử dụng một phần nhân lực dôi dư do giảm quy mô tàu bay là các tiếp viên hàng không được đào tạo thêm các nghiệp vụ để phục vụ hành khách tại sân bay. Đây cũng là giải pháp của Bamboo Airways nhằm đảm bảo nhận diện thương hiệu, nâng cao và đồng bộ chất lượng dịch vụ của hãng từ mặt đất đến trên không trong giai đoạn tiếp theo.
Khoản nợ xấu “nghìn tỷ” của Bamboo Airways với đối tác trong ngành
Trước khi được tự triển khai phục vụ mặt đất tại các sân bay nội địa, hãng bay này hiện vẫn khoản nợ xấu “nghìn tỷ” đối với đối tác trong lĩnh vực hàng không.
Theo cập nhật mới nhất, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang ghi nhận khoản phải thu lên tới 2.132 tỷ đồng với Bamboo Airways, tăng gần 1.000 tỷ so với số đầu năm. Trong đó, gần như toàn bộ số nợ trên là nợ xấu và ACV đã phải trích lập 1.907 tỷ đồng.
Trong diễn biến liên quan, ACV mới đây đưa ra thông báo sẽ áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn nhằm thực hiện chế tài xử lý những hãng bay vi phạm hợp đồng. Cụ thể, ACV xây dựng 5 tiêu chí khởi kiện, bao gồm không có kế hoạch trả nợ cho ACV; không thực hiện đúng kế hoạch trả nợ đã cam kết; kết quả kinh doanh không bị lỗ nhưng không trả nợ; có phát sinh công nợ mới trong năm 2023; có số dư nợ lớn hơn các hãng hàng không khác.
Đến cuối năm 2023, ACV phải trích lập dự phòng khoản thu ngắn hạn khó đòi gần 3.600 tỷ đồng từ các hãng hàng không trong nước, chiếm 40% số tiền cho vay. Đáng chú ý, phần lớn khoản nợ từ các hãng hàng không phát sinh ở giai đoạn COVID-19.
Ngoài khoản nợ nghìn tỷ với ACV, Bamboo vẫn còn còn những khoản nợ từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng với các đối tác phục vụ mặt đất. Mặc dù đã chấm dứt hợp đồng với đơn vị dịch vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) kể từ ngày 1/1/2024, tuy nhiên Bamboo Airways vẫn còn nợ SAGS hàng chục tỷ đồng.
Về công nợ với Bamboo Airways, tại thời điểm 31/12/2023, SAGS đang ghi nhận khoản phải thu khó đòi với hãng bay này là 87 tỷ đồng. Trong BCTC quý IV/2023, lợi nhuận của SAGS giảm 17% so với cùng kỳ năm trước và giảm 66,6% so với quý trước đó còn 24 tỷ đồng.
Theo giải trình từ phía SAGS, trong quý 4/2023, công ty đã thực hiện quy định của Thông tư 48/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành hàng hóa dịch vụ tại doanh nghiệp nghiệp. Do đó, SAGS đã trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi hãng Bamboo Airways (53,5 tỷ đồng).
Cùng cảnh với SAGS, Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Tân Sơn Nhất (Sasco) cũng ghi nhận khoản phải thu với Bamboo Airways ở mức 46,3 tỷ đồng, giảm gần 10 tỷ đồng so với số đầu năm.
Cùng chiều, Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không sân Bay Đà Nẵng (MAS) cũng ghi nhận khoản phải thu với Bamboo Airways là 1,3 tỷ đồng.
Không chỉ nợ tiền đối tác, Bamboo Airways từng bị phong tỏa tài khoản ngân hàng vị nợ quá hạn 102 tỷ đồng tiền thuế trong năm 2023. Hiện tại, hãng hàng không vẫn đang tìm mọi cách để trả nợ thuế.
Về chiến lược hoạt động, Bamboo Airways đặt mục tiêu đưa mức lỗ hoạt động xuống mức trên dưới 1.000 tỷ đồng so với 4.000 – 5.000 tỷ đồng mỗi năm trong 5 năm trước đây, hướng tới kinh doanh hoà vốn trong năm 2025 và có lãi trong các năm tiếp theo.
Trước đó, hãng hàng không Bamboo Airways đã ban hành Nghị quyết bầu ông Phan Đình Tuệ giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways nhiệm kỳ 2023 – 2028, có hiệu lực từ ngày 07/02/2024.
Trước khi ngồi vào ghế Chủ tịch Bamboo Airways, ông Phan Đình Tuệ là Phó Chủ tịch thường trực HĐQT.
Ông Tuệ được biết đến là một người lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm với gần 40 năm trong lĩnh vực kinh tế, tài chính – ngân hàng và tái cơ cấu doanh nghiệp.
Ngoài ra, ông Tuệ cũng đang đảm nhiệm vị trí Lãnh đạo cấp cao tại một số Doanh nghiệp, Hiệp hội: Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Sao Vàng Đất Việt – thuộc Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam...