Thị trường Việt Nam trở thành "vùng đất sinh lời" với nhà đầu tư Mỹ
Cơ hội cho doanh nghiệp Việt trước làn sóng FDI từ Mỹ Sở Y tế Hà Nội lý giải nguyên nhân loạt doanh nghiệp mỹ phẩm xin trả lại giấy phép Tập đoàn Mỹ phá sản, doanh nghiệp Việt lao đao |
Lộ diện những kế hoạch
Thông tin Tập đoàn Công nghệ Microsoft, Quỹ Gates; Tập đoàn SpaceX; Công ty Coca-Cola; Tập đoàn năng lượng tái tạo Pacifico Energy tiết lộ các kế hoạch đầu tư, kinh doanh tiếp theo của mình tại thị trường Việt Nam trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây cho thấy, doanh nghiệp Mỹ đang dần biến Việt Nam thành “cứ điểm” quan trọng trong chiến lược mở rộng của mình. Động thái này cũng cho thấy, nhà đầu tư Mỹ đang theo sát sự phát triển của Việt Nam.
Minh chứng sau gần 30 năm, Coca-Cola đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn lũy kế hơn 1 tỷ USD, với 3 nhà máy sản xuất sản phẩm đồ uống tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty cũng vừa khởi công thêm một nhà máy ở Long An.
Ông James Quincey, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc điều hành Coca-Cola cho biết, Công ty muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam, có kế hoạch di dời các nhà máy trong khu vực dân cư và đổi mới công nghệ để phát triển theo hướng xanh, bền vững.
Đặc biệt, thông tin đang chú ý nhất với giới đầu tư công nghệ khắp thế giới là Tập đoàn SpaceX - chuyên về cung cấp tàu vũ trụ, dịch vụ phóng vệ tinh và truyền thông vệ tinh dự kiến đầu tư khoảng 500 triệu USD vào Việt Nam. SpaceX mong muốn được cấp phép đầu tư cung cấp dịch vụ Starlink tại Việt Nam.
Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn Pacifico Energy muốn tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam và chia sẻ về ý tưởng phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam. Được biết, Pacifico Energy là nhà đầu tư năng lượng tái tạo lớn nhất của Mỹ với dự án điện mặt trời công suất 40 MW tại Bình Thuận và dự án điện gió công suất 30 MW tại Bến Tre.
Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ cùng nhiều doanh nghiệp đã đến Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư như là một địa điểm dịch chuyển sản xuất chip. Trong đó, nhà máy bán dẫn tại Bắc Ninh của Amkor Technology, với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD là một ví dụ. Đây là nhà máy lớn nhất, hiện đại nhất của Amkor trên toàn cầu. Amkor Technology cũng sẽ đầu tư 1,6 tỷ USD từ nay đến năm 2035 để xây dựng thêm một nhà máy khác tại Bắc Ninh.
Trong khi đó, Marvell và Synopsis cũng cho biết sẽ đầu tư vào các trung tâm ươm tạo và thiết kế chip bán dẫn tại TP.HCM.
Có thể nói, Việt Nam đang nổi lên là một trong những cứ điểm sản xuất vi mạch của các công ty Mỹ. Nhiều tập đoàn Mỹ cũng đã hỗ trợ đào tạo nhân lực và trao những bằng sáng chế cho Việt Nam để giúp thúc đẩy nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Để đạt được mục tiêu này, Mỹ và Việt Nam đã đưa ra sáng kiến phát triển lực lượng lao động trong ngành bán dẫn, thông qua tài trợ 2 triệu USD ban đầu của Chính phủ Mỹ. Chính phủ Mỹ cũng mong đợi sự hỗ trợ của Chính phủ và khu vực tư nhân Việt Nam trong tương lai cho những sáng kiến này.
Cần phải nhắc lại là, nhà máy lớn nhất thế giới của Intel tính theo diện tích được đặt tại Việt Nam khi tập đoàn này đầu tư vào Việt Nam từ năm 2006 đã liên tục mở rộng quy mô đầu tư.
Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục giảm rào cản về thủ tục kinh doanh, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế và bảo vệ quyền sở hữu để trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Coca-Cola sẽ đầu tư theo hướng đổi mới công nghệ để phát triển theo hướng xanh, bền vững. Ảnh Lê Toàn |
Nhắm thời điểm vàng của ngành tiêu dùng
Nơi nào có cơ hội kinh doanh sinh lời, nơi ấy thu hút nhà đầu tư, vì vậy, thị trường Việt Nam là một trong những lựa chọn lý tưởng.
Tại Hội nghị Nhà đầu tư năm 2023 do VinaCapital tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh thu hút hơn 150 nhà đầu tư nước ngoài tham dự, ông Don Lam, Tổng giám đốc và cổ đông sáng lập VinaCapital thông tin, năm nay, số lượng nhà đầu tư nước ngoài đến tham dự hội nghị đông nhất trong vòng 5 năm qua. Trong đó, nhiều nhất là các nhà đầu tư đến từ Bắc Á. Số nhà đầu tư này đại diện cho các tập đoàn, quỹ đầu tư đang quản lý nguồn vốn khoảng 1.000 tỷ USD.
Cũng tại sự kiện này, các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến những ngành có tiềm năng phát triển tại Việt Nam như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản xuất xanh và đặc biệt là ngành bán dẫn, chip sau khi quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ được nâng lên tầm cao nhất.
Ông Andy Ho, Tổng giám đốc Hội đồng Đầu tư VinaCapital nhận định, sự sụt giảm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ đã chấm dứt và hy vọng lượng đặt hàng bắt đầu gia tăng trở lại. Cùng với đó, tỷ giá USD/VND vẫn được duy trì ở mức ổn định; tầng lớp trung lưu tăng trưởng 10%/năm sẽ khiến tiêu dùng kéo dài tăng trưởng trong hơn 10 năm tới... Tất cả những điều đó sẽ giúp dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục gia tăng vào Việt Nam.
Các tập đoàn lớn nước ngoài và các quỹ đầu tư tranh thủ rót tiền vào các doanh nghiệp lớn Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực tiêu dùng, bán lẻ, dược phẩm và tài chính.
Quỹ đầu tư Bain Capital (Mỹ) có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tiêu dùng. Nổi bật trong danh mục đầu tư của quỹ có các chuỗi bán lẻ và F&B nổi tiếng như Burger King, Burlington, Dunkin Brands, Samsonite… Bain Capital vừa đầu tư hơn 200 triệu USD thông qua vốn cổ phần vào Masan Group. Được biết, các nhà đầu tư khác cùng Bain Capital cũng đang đặt vấn đề đàm phán với Masan, và tùy theo nhu cầu sử dụng vốn của Công ty cũng như điều kiện thị trường, Bain Capital có thể tăng mức đầu tư lên đến 500 triệu USD.
Ông Barnaby Lyons, một lãnh đạo của Bain Capital cho biết, hợp tác với Masan là dự án đầu tư chiến lược tại Việt Nam.
Việt Nam được đánh giá là thị trường tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á với mức tăng trưởng hàng năm dự kiến là 7,7% cho giai đoạn 2022-2040. Masan Group đặt mục tiêu lợi nhuận gia tăng gấp nhiều lần trong “thời điểm vàng” của tiêu dùng tại Việt Nam.
Mặc dù vậy, trong số các tập đoàn, quỹ đầu tư đang quản lý nguồn vốn khoảng 1.000 tỷ USD trên toàn cầu, nhưng ông Don Lam cho biết, bối cảnh kinh tế hiện nay làm thế nào để thu hút được khoảng 1 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam là đã viên mãn.