Sở Y tế Hà Nội lý giải nguyên nhân loạt doanh nghiệp mỹ phẩm xin trả lại giấy phép
Hà Nội: Tạm giữ hàng nghìn mỹ phẩm, đồ gia dụng có dấu hiệu vi phạm Vén ‘bức màn bí ẩn’ khi doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm Hà Nội đồng loạt xin trả giấy phép |
Liên quan tới loạt doanh nghiệp đồng loạt xin trả lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm (sau đây gọi chung là giấy phép) trong thời gian ngắn, chiều 23/8, phóng viên Báo Công Thương đã có buổi trao đổi với bà Nguyễn Thị Hồng Hà, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TP Hà Nội để làm sáng tỏ việc này.
Khái lược sơ bộ về “bức tranh” ngành mỹ phẩm tại Hà Nội, bà Hà cho biết, từ năm 2016 đến nay, có tổng 162 doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm được cấp giấy phép.
Trong đó, năm 2020 có 31 doanh nghiệp, năm 2021 có 12 doanh nghiệp, năm 2022 có 23 doanh nghiệp, năm 2023 có 6 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm, bao gồm cả cấp mới, thay đổi tên, chuyển địa điểm, bổ sung phạm vi...
Ngược lại, năm 2020 có 5 doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm bị thu hồi giấy phép do ngừng hoạt động hoặc chuyển địa điểm. Con số này năm 2021 là 20 doanh nghiệp, năm 2022 là 5 doanh nghiệp và 7 tháng đầu năm 2023 là 10 doanh nghiệp.
Loạt doanh nghiệp mỹ phẩm trên địa bàn TP Hà Nội đồng loạt trả lại giấy phép là do chuyển địa điểm, một số đã ngừng hoạt động từ lâu. Ảnh minh hoạ. |
Đối với 7 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép mới đây, bà Hà cho biết có 2 đơn vị xin trả lại giấy phép cũ để đổi địa điểm, 1 đơn vị là Công ty TNHH sản xuất mỹ phẩm Hunel bị thu hồi giấy phép do không bảo đảm điều kiện sản xuất, còn lại là xin dừng hoạt động.
Về nguyên nhân, theo bà Hà lý giải, quy định hằng năm các đơn vị phải báo cáo hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, năm 2020, 2021 là cao điểm dịch, Sở Y tế dồn toàn bộ lực lượng để phòng, chống dịch Covid-19, nên chưa rà soát được báo cáo của các đơn vị.
Tháng 7/2023 vừa qua, Sở Y tế rà soát và yêu cầu các đơn vị báo cáo, phát hiện một số đơn vị đã ngừng hoạt động. Tuy nhiên, các đơn vị này không biết việc dừng hoạt động phải trả lại giấy phép. Thế nên, khi Sở yêu cầu báo cáo hoạt động kinh doanh, các đơn vị mới biết và xin trả lại giấy phép.
Trước câu hỏi của phóng viên, về việc hàng loạt doanh nghiệp đồng loạt trả lại giấy phép như vậy, đồng nghĩa với việc hàng trăm phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm hết hiệu lực, việc này tác động tới thị trường như thế nào?
Bà Hà đánh giá, đây là quy luật cạnh tranh và không ảnh hưởng tới thị trường.
“Đây là quy luật cạnh tranh. Đơn vị nào sản xuất bảo đảm chất lượng và có quy mô đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp phân phối, kinh doanh, họ sẽ lựa chọn nhà sản xuất. Chúng ta hãy tưởng tượng thị trường như một miếng bánh, chia ra, đơn vị này sản xuất thì đơn vị kia phải nghỉ. Vì vậy, việc này không ảnh hưởng tới thị trường”, bà Hà nói.
Trước đó, Báo Công Thương có bài phản ánh về việc từ ngày 17/7/2023 tới ngày 7/8/2023 (20 ngày), có 7 công ty sản xuất mỹ phẩm trên địa bàn TP Hà Nội bị Sở Y tế thành phố thu hồi giấy phép.
Điểm đáng chú ý là trong 7 công ty bị thu hồi giấy phép, có 6 công ty có văn bản báo cáo ngừng sản xuất và xin trả lại giấy phép; chỉ duy nhất Công ty TNHH sản xuất mỹ phẩm Hunel là không bảo đảm cơ sở vật chất và nhân sự để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm.
Trước khi bị thu hồi giấy phép, ngày 5/6/2023, Sở Y tế TP Hà Nội cũng đã ban hành quyết định thu hồi 402 số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm của hàng loạt đơn vị, nguyên nhân do Công ty TNHH sản xuất mỹ phẩm Hunel – đơn vị sản xuất có văn bản báo cáo không sản xuất, ngừng uỷ quyền công bố các sản phẩm và đề nghị thu hồi tiếp nhận phiếu công bố.