Cơ hội cho doanh nghiệp Việt trước làn sóng FDI từ Mỹ
FDI Mỹ vào Việt Nam: Hiện thực hóa kế hoạch tỷ USD Nhiều doanh nghiệp Mỹ tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam |
Vừa qua, hơn 50 doanh nghiệp từ Mỹ đã đến Việt Nam theo chương trình của Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) để thảo luận về các cơ hội đầu tư và hợp tác kinh doanh.
Đây là số lượng doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam nhiều nhất từ trước đến nay, và hơn nữa hầu hết là những doanh nghiệp lớn. Cùng với những công ty đã có thời gian kinh doanh tại Việt Nam như Coca-Cola, PepsiCo, Apple, còn có đại diện các doanh nghiệp lớn như Boeing, SpaceX, Netflix, Pfizer, nhà sản xuất thiết bị y tế Abbott, công ty tài chính Visa và Citibank, các công ty Internet và điện toán đám mây Meta, Amazon.
Việt Nam đang là tâm điểm dịch chuyển vốn đầu tư
Trao đổi với PV báo Lao Động, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, môi trường đầu tư ở Việt Nam trong thời gian qua đã được cải tạo và có những nét thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, có môi trường đầu tư thông thoáng, phù hợp với luật pháp quốc tế. Đó là lý do tại sao đã có nhiều nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới tìm cơ hội đầu tư vào Việt Nam, với minh chứng là sự kiện vừa qua.
“Bên cạnh đó, dù thời gian từ năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 bùng phát, tình hình đầu tư trên thế giới đã giảm rất mạnh, song ở nước ta mức giảm chỉ rơi vào khoảng 10%. Thực tế trong giai đoạn 2020-2022, mức giải ngân lại tăng lên. Rõ ràng, điều này thể hiện rằng Việt Nam là một mảnh đất thích hợp để đầu tư” – vị chuyên gia kinh tế đánh giá.
Việt Nam có nhiều lợi thế để thu hút FDI. Ảnh: Xinhua |
Sự kiện đoàn doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư cũng được đánh giá đã mở ra triển vọng về nguồn vốn FDI trong tương lai gần của Việt Nam, cho thấy nước ta là một điểm đến thu hút với giới đầu tư không chỉ ở Mỹ mà còn các nước khác. Điều này còn cho thấy nước ta có rất nhiều lợi thế như môi trường kinh tế tiềm năng, chính trị ổn định. Mặt khác, Việt Nam cũng đang là tâm điểm của sự dịch chuyển vốn đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Đó là điều mà các nhà đầu tư trên thế giới đều thấy, đặc biệt là những nhà đầu tư từng có thời gian làm việc ở thị trường Trung Quốc lâu dài. Tình hình kinh tế ở Trung Quốc có những khó khăn nhất định, nên các nhà đầu tư đã chuyển hướng sang Việt Nam. Đầu tiên, yếu tố địa lý chính là lợi thế bởi Việt Nam là nước láng giềng với Trung Quốc và cũng là thành viên ASEAN.
Thứ hai, Việt Nam cũng là nơi có sức hút FDI hấp dẫn do dân số nước ta tương đối lớn, thị trường mạnh. Trong khoảng 10 năm qua, Việt Nam đã ký hàng chục hiệp định hợp tác đầu tư nước ngoài, tạo thuận lợi giảm thuế, đáp ứng các nhu cầu khác nhau để từ đó có thể thích ứng với tình hình kinh tế mới. Đó là chúng ta chưa nói đến tình hình tăng trưởng kinh tế của nước ta là tốt, hoạt động kinh tế của nước ta cũng ổn định” - PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nói.
Ông cũng phân tích thêm, các FTA đã giúp Việt Nam có những lợi thế khi đưa hàng hóa vào thị trường các nước. Ngược lại, các nước này cũng tạo điều kiện tốt hơn để Việt Nam có thể nhập khẩu hàng hóa thuận lợi. Lợi thế đó không chỉ về thuế và còn cả các rào cản phi thuế quan, tạo đà thuận lợi cho doanh nghiệp.
“Đây cũng là một trong những điều kiện đưa các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam, không chỉ trong việc sản xuất kinh doanh mà còn cả những vấn đề khác” – vị chuyên gia kinh tế đánh giá.
Cơ hội cho doanh nghiệp Việt
Một vấn đề khác cũng được đặt ra, là cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ như thế nào trước làn sóng “đại bàng” từ bên kia Thái Bình Dương. PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng: Càng nhiều doanh nghiệp trong một thị trường, sự cạnh tranh càng lớn.
Thứ nhất, các doanh nghiệp trong nước cần tự nâng giá trị để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, không riêng gì doanh nghiệp Mỹ. Thứ hai, doanh nghiệp nội địa cần lưu ý về một cơ hội tham gia hợp tác với các doanh nghiệp Mỹ vào chuỗi cung ứng.
Doanh nghiệp Việt Nam có thể xây dựng sự hợp tác để phát triển chuỗi cung ứng với doanh nghiệp Mỹ. Ảnh: Xinhua |
“Nếu liên doanh được thì quá tốt, còn không, chỉ cần là mắt xích trong chuỗi cung ứng hàng hóa cho họ: Sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, cung ứng ra sao… Chúng ta có thể làm được. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cần tạo sự liên kết để có thể đáp ứng được nhu cầu của những doanh nghiệp quy mô lớn, do những doanh nghiệp này có nhu cầu cung ứng lớn để phát triển đồng bộ. Rõ ràng, nếu chúng ta là một phần trong chuỗi cung ứng của họ sẽ là một điều tốt” – PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Cũng theo vị chuyên gia, các doanh nghiệp Mỹ lần này đến Việt Nam sẽ chú ý nhiều đến phân khúc lao động chất lượng cao và đi tìm các nhà quản lý. Do đó, từng cá nhân và tổ chức cần tự đào tạo năng lực, trình độ để có thể đáp ứng được với tình hình kinh tế mới cũng như giữ chân được các công ty lớn.