Thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam: “Trứng vàng” ngàn tỷ cho nhà đầu tư
Nhiều chính sách phát triển năng lượng tái tạo |
Phải nhìn trong dài hạn
Cộng đồng các doanh nghiệp (DN) ngành điện vừa qua đặc biệt chú ý tới sự kiện Triển lãm quốc tế về công nghệ, giải pháp điều phối, truyền tải điện và năng lượng tái tạo Việt Nam (Electric & Power Vietnam 2018), diễn ra từ ngày 12-14/9. Không chỉ ấn tượng bởi con số 180 đơn vị đến từ 22 quốc gia, sự kiện còn ấn tượng bởi đây là lần đầu tiên kết hợp nội dung triển lãm về năng lượng tái tạo (NLTT) tại Việt Nam vào chương trình. Điều đó phần nào cho thấy sự quan tâm của các DN quốc tế đến đến thị trường NLTT Việt Nam đang rất lớn.
Giới thiệu chính sách về năng lượng cho các nhà đầu tư tại triển lãm, bà Đỗ Thị Minh Trâm - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) – cho biết, chính sách của Việt Nam nhằm vào ổn định năng lượng để bảo đảm vận hành nền kinh tế thông suốt. Bởi vậy, chính sách hỗ trợ của Chính phủ có nhiều điểm nổi bật. Trong đó, giá cố định tính bằng USD; thuế thu nhập DN hưởng tỷ lệ 10% trong 15 năm, miễn thuế nhập khẩu; hợp đồng mua bán điện mẫu có thời hạn tới 20 năm.
Theo ông BT Tee - Tổng giám đốc Công ty UBM VES – đánh giá, Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam ban hành giá mua điện mặt trời ở mức 9,35 cent Mỹ/kWh thực sự là “cú hích” đối với thị trường này. Các nhà đầu tư quốc tế đang nhìn thấy tiềm năng lớn ở Việt Nam. Bởi lẽ, Chính phủ Việt Nam đã đề ra mục tiêu đưa điện mặt trời trở thành một trong những nguồn NLTT mới chủ chốt trong tương lai với việc nâng công suất lắp đặt hiện đang ở mức 6-7 MW vào cuối năm 2017 và sẽ lên đến 850 MW vào năm 2020 (tương ứng với 1,6% tổng sản lượng điện của Việt Nam) và 12.000 MW vào năm 2030 (tương ứng với 3,3% tổng sản lượng điện của Việt Nam).
Tuy nhiên, theo bà Trâm, ngành NLTT ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức như: NLTT chỉ tập trung ở một số địa phương, các vấn đề về công suất dự trữ quay, khả năng truyền dẫn, yêu cầu về đất đai, chi phí đầu tư cao… Đặc biệt, các mức giá áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn NLTT để bán lên lưới hoặc sử dụng tại chỗ nhằm giảm tải cho lưới điện còn thấp.
Nhu cầu sử dụng điện gia tăng tạo cơ hội cho năng lượng tái tạo phát triển |
Chi phí đầu tư đang giảm dần
Về vấn đề này, nếu nhìn trong ngắn hạn, giá thấp trong khi chi phí đầu tư cao sẽ khiến khả năng sinh lời của dự án không hấp dẫn. Tuy nhiên, theo ông Vũ Việt Dũng - Giám đốc kinh doanh Công ty HT Solar Việt Nam, chỉ trong khoảng vài năm trở lại đây, giá các thiết bị NLTT như tấm pin mặt trời đã giảm rất mạnh, từ đó khiến chi phí đầu tư một dự án cũng giảm dần. Trong tương lai, với tốc độ phát triển công nghệ cao như hiện nay, chắc chắn giá các thiết bị năng lượng mặt trời sẽ tiếp tục đi xuống.
Theo ông Trần Kỳ Phúc - Phó Viện trưởng, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương): Trong năm 2017, giá pin trung bình trên toàn thế giới chỉ khoảng 0,39 USD/Wp. Chi phí vốn thấp hơn, sự cải thiện hiệu suất và công suất thiết bị vẫn không ngừng nghỉ sẽ tiếp tục giúp giảm chi phí sản xuất điện mặt trời.
“Dựa trên một số dự án đã hoàn thành trong năm 2017, chi phí sản xuất điện quy dẫn của điện mặt trời từ các nhà máy quy mô lớn của thế giới ước tính khoảng 10Usc/kWh, thấp hơn tới 73% so với năm 2010. Và ở mức chi phí này, điện mặt trời tại một số nước đã có thể cạnh tranh sòng phẳng với điện từ nguồn hóa thạch” - ông Phúc phân tích chi tiết.
Hơn nữa, nếu nhìn tổng thể trong dài hạn, về cung-cầu và xu hướng, thị trường NLTT chắc chắn vẫn sẽ mang lại lợi nhuận lớn cho các nhà đầu tư.
Cần trợ lực từ chính sách
Để vượt qua những thách thức và tiếp tục phát triển ngành năng lượng, theo ông Phúc, Chính phủ cần thể chế hóa các quy định pháp luật nhằm huy động hiệu quả các nguồn lực vào lĩnh vực này, bao gồm xây dựng và ban hành Luật NLTT, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về công nghệ và thiết bị NLTT nhằm tạo lập một thị trường bền vững.
Ngoài ra, Việt Nam cũng phải xây dựng cơ chế ưu tiên về đấu nối và điều độ đối với các nguồn NLTT trước các loại nhiên liệu khác.
Mặt khác, cần tiếp tục xây dựng các cơ chế khuyến khích phát triển NLTT, bao gồm cơ chế giá, phí và cơ chế đầu tư, vận hành. Chính phủ nên hoàn thiện cơ chế giá cố định FIT có thể điều chỉnh định kỳ cho từng loại hình NLTT, nhằm bảo đảm giá FIT tạo được động lực cho các nhà đầu tư. Cơ chế giá FIT cần phải có các đánh giá định kỳ để bảo đảm mức hỗ trợ đủ để hoàn thành mục tiêu phát triển NLTT.
Để làm được điều đó, “Một mặt, Chính phủ có thể điều chỉnh tăng giá mua điện NLTT. Mặt khác, thực hiện các giải pháp giảm giá thành điện NLTT, trong đó tăng tỷ lệ nội địa hóa thiết bị sản xuất điện là giải pháp căn cơ. Vì vậy công nghiệp hỗ trợ cho NLTT đóng vai trò chính trong giải pháp này”- lãnh đạo Viện Năng lượng đề xuất.