Thái Nguyên: Gắn OCOP với xây dựng nông thôn mới
Hướng tới sản phẩm chuẩn chất lượng xuất khẩu
Sau hơn một năm thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh Thái Nguyên đã có gần 200 sản phẩm có điều kiện trở thành sản phẩm OCOP. Trong năm 2019, trong 162 sản phẩm đã đăng ký có 13 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, 12 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao.
Thái Nguyên có gần 200 sản phẩm đạt điều kiện OCOP |
Chị Vũ Thị Thanh Hảo - Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) chè Thịnh An ở thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) - một trong những đơn vị có sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đạt sao thuộc Chương trình OCOP của tỉnh chia sẻ: Đây sẽ là “giấy thông hành” để sản phẩm của HTX đến được với những thị trường khó tính trong và ngoài nước…
Thành lập vào năm 2018, HTX chè an toàn Khe Cốc (xã Tức Tranh), huyện Phú Lương là một trong những HTX đầu tiên của tỉnh sản xuất chè hữu cơ. Hiện nay, hợp tác xã đang thực hiện dự án 35ha chè an toàn, hữu cơ và được nhà nước hỗ trợ từ 25- 35 triệu đồng/ha/năm kéo dài từ 3 - 5 năm giúp bà con chuyển đổi từ chè VietGAP, chè sản xuất thông thường sang sản xuất chè an toàn, hữu cơ. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất và chế biến an toàn nên giá trị sản phẩm chè của các thành viên HTX được nâng lên đáng kể, lợi nhuận bình quân đạt tới trên 100 triệu đồng/ha/năm. Sản phẩm trà túi lọc của HTX chè an toàn Khe Cốc đã đăng ký là sản phẩm OCOP trong năm 2020. Việc xây dựng sản phẩm OCOP huyện đang được đặt nhiều kỳ vọng, hướng tới phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Được biết, Đề án OCOP của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019 - 2025 được thực hiện với kinh phí hơn 700 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh hơn 70 tỷ đồng, ngân sách huyện, xã hơn 60 tỷ đồng, vốn lồng ghép các nguồn trên 240 tỷ đồng và vốn xã hội hóa hơn 360 tỷ đồng... Theo đó, sản phẩm OCOP đạt 3 sao sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng/sản phẩm, đạt 4 sao được hỗ trợ 30 triệu đồng/sản phẩm và đạt 5 sao được hỗ trợ 40 triệu đồng/sản phẩm. Năm 2020 là năm thứ hai tỉnh Thái Nguyên triển khai thực hiện Đề án OCOP giai đoạn 2019 - 2025 với mục tiêu ít nhất 50 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP trên cơ sở các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của các địa phương thành sản phẩm OCOP.
Đưa nông sản lên sàn giao dịch điện tử
Xác định việc xây dựng OCOP góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả và thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Do đó, trong thời gian tới, Thái Nguyên sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các nội dung, cơ chế, chính sách hỗ trợ, cách thức thực hiện Chương trình OCOP tới tất cả các chủ thể thực hiện gồm doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh và hệ thống quản lý điều hành chương trình từ tỉnh đến xã.
Thái Nguyên sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP |
Đồng thời, phát triển mạnh các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, trong đó trọng tâm là sản phẩm từ chè, lúa gạo đặc sản, miến, hoa quả và sản phẩm dịch vụ du lịch.
Xác định thương mại điện tử là hướng đi mới giúp sản phẩm nông nghiệp, trong đó có sản phẩm OCOP cạnh tranh trên thị trường và kết nối trực tiếp với người tiêu dùng. Tỉnh sẽ xây dựng website OCOP Thái Nguyên kết nối với các sàn giao dịch và website của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân, các chủ thể tham gia Chương trình OCOP nhằm quảng bá thương hiệu và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP; thiết kế phần mềm quản lý chương trình OCOP. Cùng với đó, tiến hành xây dựng hệ thống trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, gian hàng OCOP trong đó có 1 trung tâm cấp tỉnh. Xây dựng mô hình điểm về phát triển sản phẩm OCOP, dự kiến mỗi huyện một mô hình.
Đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử sẽ mở ra cánh cửa tiêu thụ mới cho các sản phẩm của các doanh nghiệp, HTX của địa phương không chỉ trên địa bàn tỉnh mà còn rộng khắp cả nước. |