Tai nạn 11 người thương vong trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng: Trách nhiệm những người liên quan?
Lái xe khách 16 chỗ và xe bán tải có thể bị phạt tù 15 năm
Theo thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), vụ tai nạn giao thông liên hoàn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào 8h58, ngày 11/7, tại Km 49+400 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (hướng đi Hà Nội - Hải Phòng), thuộc thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương giữa 3 xe gồm: Xe khách 16 chỗ BKS: 15F-006.78, xe ô tô con BKS: 30K-757.00 và xe ô tô bán tải BKS: 38C-195.83.
Vụ tai nạn khiến Trịnh Tuấn Anh (xe 38C-195.83) và Quách Văn Lâm (xe 16 chỗ 15F-006.78) chết tại hiện trường cùng 10 người bị thương, 3 xe hư hỏng nặng.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do xe bán tải đi chậm để tránh chướng ngại vật, xe 16 chỗ va chạm vào phía sau (va chạm nhẹ). Anh Tuấn Anh, anh Lâm và một người người khác đứng lại tranh luận trước đầu xe 16 chỗ thì xe con từ phía sau đâm vào xe 16 chỗ dẫn đến tai nạn thương tâm.
Trao đổi với Báo Công Thương, Luật sư Ma Văn Giang, Công ty luật TNHH Niềm tin Công lý (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, đây vụ tại nạn giao thông liên hoàn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản, đồng thời gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Trong trường hợp này, cơ quan chức năng đang tiến hành các bước xác minh ban đầu để làm rõ thiệt hại về người và tài sản làm căn cứ khởi tố vụ án hình sự nếu có dấu hiệu của vụ án hình sự. Đồng thời, khởi tố bị can nếu người thực hiện hành vi có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm để làm rõ vi phạm của từng trường hợp cụ thể.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ngày 11/7. Ảnh: Anh Văn |
Theo thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng cung cấp và theo quy định của pháp luật, trường hợp hai phương tiện xe 16 chỗ và xe bán tải dừng đỗ do tai nạn và đang chờ cơ quan chức năng đến giải quyết theo Điều 38 Luật giao thông đường bộ mà không thể di chuyển được thì phải báo hiệu cho người lái xe khác biết theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật giao thông đường bộ.
Trường hợp lái xe khách 16 chỗ và tài xế xe bán tải không thực hiện đúng quy định mà dẫn đến hậu quả gây tai nạn liên hoàn gây thiệt hại ở mức độ nghiêm trọng như làm chết người hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với khung hình phạt cao nhất là 15 năm.
Việc khởi tố bị can chỉ áp dụng đối với người còn sống. Ngoài ra, người thực hiện hành vi vi phạm còn phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự theo quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự.
Đối với tài xế xe ô tô 7 chỗ đâm trực diện vào hai xe đang đừng đỗ là xe 16 chỗ và xe bán tải, trong trường hợp này đã không tuân thủ các quy định khi tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 12 Luật giao thông đường bộ, Điều 11 Thông tư số 31 2019/TT-BGTVT. Trường hợp, tài xế xe ô tô 7 chỗ còn sống thì cũng có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tương tự như hai tài xế xe 16 chỗ và xe bán tải theo Điều 260 Bộ luật Hình sự, đồng thời phải bồi thường thiệt hại khi có thiệt hại thực tế xảy ra theo Điều 584 Bộ luật dân sự.
Người gây thiệt hại không phải bồi thường trong trường hợp nào?
Cùng bàn luận về tính pháp lý liên quan đến vụ tai nạn nghiêm trọng này, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, căn cứ những quy định pháp luật đã nêu ở trên, người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác...
Với trường hợp lỗi xuất phát từ cả hai phía (lỗi hỗn hợp) thì cả hai bên sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần lỗi của mình.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật. Ảnh NVCC |
Theo Điều 589, 590, 591 Bộ luật dân sự năm 2015, người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải bồi thường các khoản sau:
Thứ nhất: Thiệt hại về tài sản bị xâm phạm bao gồm: Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; thiệt hại khác do luật quy định.
Thứ hai: Thiệt hại về sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại... và thiệt hại khác do luật quy định.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại các chi phí trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Thứ ba: Thiệt hại về tính mạng bị xâm phạm bao gồm: Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; thiệt hại khác do luật quy định.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại các chi phí trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.