Những chính sách nào về giáo dục và đào tạo có hiệu lực từ tháng 1/2023?
Ngày 5/12/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 17/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên. Thông tư có hiệu lực từ 20/1/2023.
Giáo viên tại TP. Hồ Chí Minh tăng thu nhập từ ngày 1/1/2023 (Ảnh: Quỳnh Nga) |
Thông tư số 17 đã sửa đổi, bổ sung đối tượng áp dụng Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên.
Theo đó, Quy chế được áp dụng với giáo viên đang nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập (gọi chung là cơ sở giáo dục mầm non); giáo viên đang giảng dạy tại trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông dành cho người khuyết tật (gọi chung là cơ sở giáo dục phổ thông).
Giáo viên đang giảng dạy tại trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo viên giảng dạy chương trình giáo dục thuộc chương trình để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (gọi chung là trung tâm giáo dục thường xuyên).
giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên được gọi chung là giáo viên; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông; giám đốc, phó giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên (gọi chung là cán bộ quản lý); các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Mục đích của bồi dưỡng thường xuyên nhằm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu của vị trí việc làm đối với giáo viên, cán bộ quản lý. Là căn cứ để quản lý, chỉ đạo, tổ chức bồi dưỡng, tự bồi dưỡng nhằm nâng cao phẩm chất, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên, cán bộ quản lý. Nâng cao mức độ đáp ứng của giáo viên, cán bộ quản lý theo yêu cầu vị trí việc làm; đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp.
Thông tư cũng điều chỉnh, bổ sung nội dung về tài liệu bồi dưỡng thường xuyên. Theo đó, tài liệu phải bảo đảm kết hợp giữa lý luận và thực tiễn; kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng thực hành; tích hợp, lồng ghép các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng; không được trùng lặp. Chương trình, tài liệu phải thường xuyên được bổ sung, cập nhật, nâng cao phù hợp với tình hình thực tế.
Ngày 22/11/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 16/2022/TT-BGDĐT, quy định tiêu chuẩn thư viện cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Thông tư này có hiệu lực từ 7/1/2023
Mục đích áp dụng tiêu chuẩn thư viện nhằm xác định tiêu chuẩn thư viện nhằm bảo đảm điều kiện thực hiện chương trình giáo dục mầm non và phổ thông; xác định định mức, dự toán để lập dự án đầu tư xây mới hoặc cải tạo thư viện đã có; xác định mức độ đạt tiêu chuẩn thư viện để kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia các trường mầm non, tiểu học, trung học và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Các thư viện tham gia liên thông trên cơ sở tự nguyện kết nối, chia sẻ, đóng góp tài nguyên của thư viện cho nhóm dùng chung; hợp tác có thỏa thuận giữa các thư viện bảo đảm thống nhất quy trình khai thác được quản lý bằng các phần mềm có thể truy cập được bằng máy tính, điện thoại và các thiết bị điện tử khác; các thư viện trên địa bàn khác nhau có thể thỏa thuận tham gia liên thông bằng hình thức chia sẻ, đóng góp tài nguyên thông tin số.
Bên cạnh đó, thư viện trường mầm non phải đạt các tiêu chuẩn sau: bảo đảm có tài nguyên thông tin mở rộng; mỗi trẻ em có ít nhất 03 bản sách; có phòng đọc cho trẻ em tối thiểu 25 chỗ; khu vực mượn trả và quản lý không nhỏ hơn 06m2/người làm công tác thư viện; bảo đảm tỷ lệ 100% giáo viên và tối thiểu 80% trẻ em toàn trường đọc sách tại thư viện và mang sách về nhà hằng năm…
Căn cứ Điều 1 Nghị quyết 27 năm 2022 của Hội đồng nhân dân TP.Hồ Chí Minh, từ ngày 1/1/2023, giáo viên tại TP. Hồ Chí Minh chính thức được hưởng thu nhập tăng thêm gấp 1,8 lần tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ. Đây là một tin vui đối với hàng chục nghìn giáo viên đang giảng dạy tại TP.Hồ Chí Minh.
Cũng theo Nghị quyết này, UBND TP.Hồ Chí Minh cân đối nguồn cải cách tiền lương để đảm bảo chi tăng lương theo lộ trình của Chính phủ (dự kiến vào tháng 7/2023) và thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 03/2018 của Hội đồng nhân dân thành phố trong năm 2023 đến hết thời gian thí điểm Nghị quyết số 54/2017/QH14 theo hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm nêu trên.