Ngày 18/5: Bảo tàng Lịch sử quốc gia trưng bày gốm Bát Tràng từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 20
Trưng bày ‘Dòng chảy gốm sứ văn hóa Việt Nam’ trong 2 năm tại Hàn Quốc Trưng bày sách, tài liệu kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô |
Trưng bày nhằm giới thiệu tới công chúng sưu tập hiện vật độc đáo, đặc sắc gốm Bát Tràng từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 20 để công chúng trong nước và bạn bè quốc tế có dịp thưởng thức một sưu tập gốm cổ Bát Tràng vô cùng phong phú, có giá trị mỹ thuật cao, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Nội dung trưng bày gồm 4 phần: Lịch sử hình thành; gốm Bát Tràng thế kỷ 14; gốm Bát Tràng thế kỷ 15 – 18; gốm Bát Tràng thế kỷ 19 – 20.
Theo sử liệu thành văn, vùng đất Bát Tràng có tên là xã Bát, lần đầu tiên được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư năm 1352. Thế kỷ 15, tên xã Bát Tràng xuất hiện và được ghi nhận là một làng gốm nổi tiếng, sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi (1380 - 1442) chép: "Làng Bát Tràng làm đồ bát chén".
Quanh khu vực Bát Tràng hiện nay, tại các địa điểm Lê Xá và Đào Xuyên thuộc xã Đa Tốn đã phát hiện, thu thập được một số đồ gốm Bát Tràng có niên đại cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15 như chậu hoa nâu, đĩa hoa lam, nhiều hiện vật là phế phẩm của lò gốm. Kết quả khai quật khảo cổ học các năm 2001 - 2003 của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Viện Khảo cổ học và các cơ quan nghiên cứu tại di tích Kim Lan - một xã liền kề phía Nam xã Bát Tràng đã phát hiện di tích, di vật có niên đại kéo dài từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 19 - 20, đặc biệt là các tầng văn hóa có niên đại thế kỷ 9 - 10 và thế kỷ 13 - 14, trong đó, số lượng lớn các di vật là đồ gia dụng như bát, đĩa, âu, ống nhổ... tập trung ở các dòng men đặc trưng thời Trần giống sưu tập gốm men đã biết ở Đa Tốn.
Bên cạnh đó, còn có các di vật phản ánh kỹ thuật sản xuất gốm tại chỗ như bao nung, con kê, đồ phế phẩm, cục làm men… cho thấy nơi đây là một vùng sản xuất gốm cổ có quy mô lớn. Đến những năm 1958, khu vực này mới được chia tách làm hai bởi công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Ngày nay, xã Bát Tràng nằm bên tả ngạn sông Hồng, phía Bắc giáp xã Đông Dư, phía Đông giáp xã Đa Tốn, phía Tây giáp sông Hồng, phía Nam giáp xã Kim Lan và Xuân Quan.
Có lịch sử lâu đời, hội tụ những tinh hoa mang đậm những giá trị đặc sắc văn hóa dân tộc, gốm Bát Tràng trở thành đối tượng được bảo tàng nghiên cứu, sưu tầm qua nhiều thời kỳ và hình thành một bộ sưu tập giá trị.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, thông qua trưng bày chuyên đề "Gốm cổ Bát Tràng", Bảo tàng Lịch sử quốc gia mong muốn giới thiệu với công chúng trong và ngoài nước một bộ sưu tập gốm men phong phú, có giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật cao, từ đó giúp công chúng hiểu sâu sắc, trân trọng hơn những giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc.
Trưng bày diễn ra đến tháng 9/2023.