Đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam vẫn trong xu hướng gia tăng
Các khu kinh tế phía Bắc có sức hút với các nhà đầu tư Trung Quốc Đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài có xu hướng giảm Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Kinh tế 7 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng |
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) ghi nhận trong 7 tháng đầu năm, đầu tư của Trung Quốc (không tính Hồng Kông và Đài Loan) vào Việt Nam có 540 dự án cấp mới với số vốn 1.220,779 triệu USD, có 113 dự án tăng vốn với số vốn 303,21 triệu USD. Luỹ kế đến nay Trung Quốc có 4.754 dự án cấp mới với tổng số vốn đăng ký đạt 28,551 tỷ USD tại Việt Nam.
Kể từ năm 2019, trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ trở nên căng thẳng và tốc độ phát triển kinh tế Trung Quốc chậm lại, các nhà đầu tư Trung Quốc bắt đầu tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam. Dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh từ 2,92 tỷ USD năm 2021 lên 4,47 tỷ USD năm 2023. Đây là một trong những nét nổi bật đáng chú ý trong bức tranh đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong những năm gần đây.
Năng lượng tái tạo- lĩnh vực được các nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm tại Việt Nam. Ảnh minh hoạ. |
Không khó để nhận thấy, vốn đầu tư từ Trung Quốc có sự xuất hiện tên tuổi nhiều tập đoàn có tầm cỡ quốc tế trong các lĩnh vực công nghệ, điện - điện tử, chế biến, chế tạo, hạ tầng cơ sở, năng lượng tái tạo, xe điện… Nếu như vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam trước đây thường tập trung vào các ngành nghề sản xuất, gia công đồ gỗ gia dụng, sắt thép, giày da, may mặc, chế biến thực phẩm, bao bì nhựa… thì mấy năm trở lại đây, vốn Trung Quốc chuyển dịch sang các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, linh kiện, phụ tùng cho sản xuất công nghiệp, điện tử, ô tô, năng lượng xanh.
Giới chuyên gia nhận định, vốn FDI Trung Quốc đổ vào Việt Nam ngày càng tăng bởi những lợi thế từ thị trường nội địa với nước này. Trung Quốc vẫn đang gặp khó khăn do cạnh tranh thương mại với Hoa Kỳ. Xuất khẩu của Trung Quốc sang các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu giảm nhiều từ trong và sau đại dịch, nhất là lĩnh vực công nghệ cao.
Trong khi đó, Việt Nam nằm ngay bên cạnh, có mối quan hệ kinh tế thương mại với thế giới rất tốt, ưu đãi về thuế quan qua các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương mà Việt Nam ký kết là lợi thế lớn để xuất khẩu hàng hóa. Điều này phù hợp với xu thế tạo lập chuỗi cung ứng khép kín trong sản xuất và kinh doanh cũng như phù hợp với một sở trường của doanh nhân, doanh nghiệp Trung Quốc là đón bắt các xu hướng kinh tế toàn cầu và đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Cùng với đó, thời gian gần đây vốn đầu tư trực tiếp cũng như sự chuyển dịch sản xuất trong lĩnh vực công nghệ cao từ Đài Loan (Trung Quốc) sang Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Việt Nam nổi lên như là điểm đến đầu tư hàng đầu thu hút các doanh nghiệp từ Đài Loan (Trung Quốc). Tính đến nay, Đài Loan (Trung Quốc) là nhà đầu tư lớn thứ tư của Việt Nam, có gần 3.200 dự án với tổng vốn đăng ký vượt 39,5 tỷ USD.
Báo cáo chuyên đề mới nhất của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam đã cung cấp nhiều điểm đáng chú ý.
Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam có xu hướng lựa chọn địa điểm đầu tư khác với các doanh nghiệp FDI từ các quốc gia khác. Thay vì tập trung tại các trung tâm đô thị lớn, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, như các doanh nghiệp FDI khác, các doanh nghiệp Trung Quốc hiện diện khá đồng đều trên khắp các tỉnh thành. Bình Dương, Quảng Ninh và Long An, mỗi địa phương có 7% là doanh nghiệp Trung Quốc, trong khi tại các tỉnh công nghiệp mới nổi phía Bắc như Bắc Giang, Hải Dương và Hải Phòng tỷ lệ này đều vào khoảng 6%. Các địa phương này hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Trung Quốc do khoảng cách địa lý và giá đất cạnh tranh. Sự phân bố này của doanh nghiệp Trung Quốc khá khác biệt với xu hướng của doanh nghiệp FDI đến từ các nước khác.
Cùng với đó, các doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký giấy phép đầu tư tại Việt Nam từ năm 2019 trở đi có khuynh hướng cao hơn hoạt động trong các lĩnh vực như bán buôn/bán lẻ; sản xuất máy tính/thiết bị điện tử; sản xuất chế biến kim loại đúc sẵn và sản xuất thiết bị điện. Những doanh nghiệp xuất khẩu trong một số lĩnh vực nêu trên như sản xuất thiết bị điện tử và thiết bị điện có trụ sở tại Trung Quốc nằm trong số bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hàng rào thuế quan do Hoa Kỳ áp đặt gần đây. Mặt khác, doanh nghiệp Trung Quốc gia nhập thị trường trong các năm gần đây ít tham gia hơn trong các lĩnh vực truyền thống như sản xuất chế biến cao su và nhựa.
Các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam chủ yếu sử dụng hàng hóa, dịch vụ từ các nhà cung cấp đồng hương tại Trung Quốc (59%), nhiều hơn các doanh nghiệp FDI khác (44%). Hơn nữa, các chuỗi cung ứng nội bộ có vai trò đáng kể đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, với 29% sử dụng hàng hóa, dịch vụ từ các đơn vị trong cùng hệ thống, nhiều hơn hẳn so với mức 13% của nhóm doanh nghiệp FDI khác.
“Những hình thái quan sát được này có thể là do sự gần gũi về mặt địa lý và thực tế là một số doanh nghiệp Trung Quốc đang chuyển sang Việt Nam để tránh những tác động tiêu cực của hàng rào thuế quan thiết lập trong giai đoạn xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc”, báo cáo của VCCI nói.
Cũng theo báo cáo của VCCI, các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam có các tệp khách hàng khá tương đồng với các doanh nghiệp FDI khác. Hơn một nửa doanh nghiệp Trung Quốc tập trung vào xuất khẩu (54%). Khoảng 50% doanh nghiệp Trung Quốc cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI khác ở Việt Nam và 45% cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho doanh nghiệp Việt Nam.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp Trung Quốc có xu hướng hợp tác kinh doanh với các đối tác Việt Nam nhiều hơn so với các doanh nghiệp FDI khác, cụ thể là 7% doanh nghiệp Trung Quốc có khách hàng là các cơ quan nhà nước và 14% doanh nghiệp Trung Quốc cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho các doanh nghiệp nhà nước. Điều này cho thấy sự hội nhập sâu hơn của nhóm doanh nghiệp này vào khu vực công tại thị trường Việt Nam.