Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Kinh tế 7 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng
Theo đó, trong 7 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Đáng chú ý, thu ngân sách ước đạt 69,8% dự toán năm, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đến 17,1%, xuất khẩu tăng 15,7% và nhập khẩu tăng 18,5%.
Hai điểm sáng đáng chú ý là xuất khẩu và sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, trong đó, tăng trưởng xuất khẩu sang một số thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản đã cơ bản phục hồi trong tháng 7. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI tháng 7 là tháng thứ tư liên tiếp tăng trên 50 điểm.
Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng 7 tháng tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước, vẫn trong mức kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội. Tác động của chính sách tiền lương mới vào chỉ số giá tiêu dùng là không đáng kể.
Xuất khẩu được coi là điểm sáng kinh tế trong 7 tháng đầu năm |
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các động lực tăng trưởng từ phía cầu phục hồi tích cực hơn. Chất lượng dòng vốn FDI tăng mạnh nhờ lựa chọn thu hút đầu tư kỹ lưỡng. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng có mức tăng 8,7% là mức tăng cao sau thời gian dài giảm sút.
Nhiều tổ chức quốc tế đã nhận định lạc quan về tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024. Theo đó, Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN nâng mức dự báo tăng trưởng lên 6,3%, ngân hàng HSBC nâng lên 6,5%, ADB nâng lên 6%, Quỹ Tiền tệ quốc tế đánh giá tăng trưởng bình quân 6,4% trong giai đoan 2024 -2029.
Song, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý các động lực tăng trưởng chưa có sự bứt tốc rõ nét và còn nhiều khó khăn, thách thức cần quyết liệt tập trung cải thiện, tháo gỡ. Các ngành lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, AI, chip, bán dẫn chưa có chuyển biến rõ nét, có nguy cơ không bắt kịp được với thế giới và khu vực. Doanh nghiệp đối mặt với áp lực cạnh tranh cao cả ở thị trường trong nước và thế giới, rủi ro bị kiện phòng vệ thương mại ngày càng lớn.
Ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, trong đó, đáng chú ý là áp lực lạm phát, áp lực tỷ giá vẫn là thách thức lớn trong khi lạm phát thường tăng vào cuối năm và có các yếu tố rất khó dự báo, đặc biệt là tâm lý, kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong các tháng còn lại của năm 2024, cần coi việc khẩn trương rà soát, tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế, thủ tục hành chính là động lực tạo bứt phá cho tăng trưởng.
Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Đồng thời, thúc đẩy động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đẩy mạnh liên kết vùng, phát huy hiệu quả hoạt động của các hội đồng điều phối vùng.
Khẩn trương hoàn thiện ban hành Chiến lực phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến 2050. Tổ chức sơ kết 2 năm triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng.