Đắk Nông thực hiện nhiều giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Vỡ quy hoạch
Đắk Nông là tỉnh có điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển cây công nghiệp; trong đó hồ tiêu là cây trồng khá phổ biến, có giá trị kinh tế cao. Vài năm trở lại đây, Đắk Nông không khuyến khích mở rộng diện tích trồng tiêu nhưng do giá cao (có thời điểm lên đến 220.000 đồng/kg, gấp nhiều lần so với cà phê, điều…) nên các nông hộ đổ xô phát triển loại cây trồng này.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, năm 2014, diện tích hồ tiêu của tỉnh mới khoảng gần 13.900ha, sản lượng hơn 17.600 tấn nhưng đến hết năm 2016 đã tăng gần gấp đôi lên khoảng 27.600ha, với sản lượng trên 34.400 tấn.
Hiện tại, diện tích hồ tiêu đã vượt gần 3 lần so với Quy hoạch cây hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt và vượt gần gấp đôi diện tích Quy hoạch hồ tiêu đến năm 2020 của tỉnh phê duyệt.
Riêng năm 2016, các nông hộ đã trồng mới 11.200ha hồ tiêu, diện tích trồng hồ tiêu tăng mạnh ở các huyện Đắk Song (8.137ha), Đắk R’lấp (955ha), Đắk G’long (hơn 660 ha)…. Bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng, nhiều nông hộ còn trồng tiêu ở những nơi có chân đất không phù hợp, vùng đất thấp hay ngập úng…
Ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông thừa nhận, diện tích tiêu trên địa bàn tỉnh đang mở rộng quá nhanh do giá cả hồ tiêu liên tục tăng cao trong một vài năm trở lại đây đã phá vỡ định hướng chung của ngành nông nghiệp tỉnh. Trong khi đó, tỉnh vẫn chưa có các biện pháp và chế tài nhằm hạn chế phát triển trồng hồ tiêu mà mới chỉ dừng ở mức độ vận động, tuyên truyền.
Vài năm trở lại đây, người dân phá bỏ các loại cây trồng khác chuyển sang trồng hồ tiêu đang diễn ra phổ biến.
Tiềm ẩn nguy cơ bất ổn
Việc phát triển “quá nóng” của cây tiêu đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn và làm “đau đầu” các nhà quản lý, hoạch định chính sách. Đó là sản xuất tự phát, thiếu quy hoạch (tăng diện tích ồ ạt khi giá sản phẩm tăng), môi trường tự nhiên bị suy thoái, chất lượng cây giống không đảm bảo, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm, giá cả thị trường, phá vỡ quy hoạch của ngành nông nghiệp, phá rừng và xâm canh đất rừng…
Trước hết, chất lượng giống và việc quản lý giống hồ tiêu còn gặp nhiều khó khăn gây nguy cơ tiềm ẩn về sâu bệnh hại, chất lượng vườn cây. Hiện nay, các giống tiêu đang được người dân sử dụng chủ yếu là tiêu Vĩnh Linh, tiêu Lộc Ninh, tiêu Ấn Độ, tiêu Sẻ, tiêu Phú Quốc… Nhưng chiếm đa số là tiêu Vĩnh Linh và tiêu Sẻ vì khá phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh, cho năng suất cao, ít nhiễm bệnh.
Theo ông Nguyễn Tuấn Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông), vấn đề nghiên cứu và sản xuất giống hồ tiêu ở Đắk Nông đang bị bỏ ngỏ, chủ yếu là do người dân tự phát, tự sản xuất để cung ứng ngay cho gia đình hoặc mua giống tại các tỉnh khác như Đồng Nai, Bình Phước, Đắk Lắk…
Các giống tiêu bán ngoài thị trường thường không thực hiện đúng theo quy định Thông tư số 18 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp, cây ăn quả như: giống không nguồn gốc, không có chứng nhận cây đầu dòng…
“Thực tế, tỉnh Đắk Nông chưa có Trung tâm giống, chưa có giống hồ tiêu nào được công nhận, dẫn đến sản xuất giống không có nguồn gốc, thị trường trôi nổi, việc quản lý nhà nước về giống hồ tiêu trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn” - ông Khải nói. Bên cạnh đó, giá cả thị trường, quy luật cung cầu cũng sẽ tác động lớn làm cho ngành hồ tiêu của tỉnh phát triển thiếu bền vững.
Thực tế chứng minh sau nhiều năm hồ tiêu có giá cao, ổn định (từ 150.000-220.000 đồng/kg) đem lại thu nhập lớn cho người nông dân, thì niên vụ hồ tiêu 2016-2017 giá cả đã lao dốc không phanh, xuống dưới 100.000 đồng/kg và dự báo vẫn tiếp tục giảm.
Theo ông Lê Hoàng Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Đắk Song, việc giá hồ tiêu giảm là điều đã được dự báo, vì những năm gần đây, diện tích hồ tiêu liên tục mở rộng, năng suất sản lượng tăng dẫn đến cung đã bắt đầu vượt quá cầu. Hơn nữa, Ấn Độ - thị trường lớn thứ 3 xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đã ngưng nhập khẩu hồ tiêu và một số mặt hàng nông sản khác.
Ông Vinh cho rằng, điều nguy hiểm nhất là tâm lý “ăn xổi” của người trồng, chỉ cần thu hoạch 2-3 năm là thu hồi vốn và có lãi nên các nông hộ đầu tư vô tội vạ, miễn sao vườn tiêu cho năng suất cao mà không quan tâm đến chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, việc quản lý, phòng trừ dịch bệnh hại nói chung và nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm là một thách thức chưa được các cơ quan chức năng, các nhà khoa học giải quyết. Tại nhiều huyện như Đắk Song, Tuy Đức, Đắk G’long tình trạng phá rừng, xâm chiếm, mua bán đất rừng để trồng cây công nghiệp; trong đó, có hồ tiêu diễn ra phức tạp…
Giải pháp đồng bộ phát triển bền vững
Theo định hướng đến năm 2025, tỉnh Đắk Nông ổn định diện tích hồ tiêu khoảng gần 15.000ha, sản lượng gần 50.000 tấn; 100% diện tích hồ tiêu trên địa tỉnh được sản xuất theo quy trình VietGAP; trong đó, 50% diện tích hồ tiêu sản xuất theo quy trình GlobalGap.
Hiện nay, tỉnh Đắk Nông đang thực hiện nhiều giải pháp để phát triển ngành hồ tiêu bền vững; trong đó, đặc biệt chú trọng đến rà soát, quản lý quy hoạch vùng sản xuất hồ tiêu gắn với vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực hiện sản xuất hồ tiêu sinh học, hữu cơ gắn với chế biến sâu để nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm.
Theo ông Lê Trọng Yên, ngành nông nghiệp Đắk Nông đang cùng với các địa phương đang tích cực vận động, tuyên truyền bà con ổn định sản xuất, không chạy theo giá cả thị trường làm phá vỡ quy hoạch chung; từng bước chuyển biến nhận thức của người dân sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn: Viet GAP, Global GAP, sản xuất hồ tiêu hữu cơ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới; khuyến khích đầu tư phát triển vườn tiêu ở các quy mô hộ gia đình, trang trại nông-lâm kết hợp.
Ngành cũng hướng dẫn người dân trồng tiêu bằng cây sống hoặc xây trụ bê tông, trụ gạch, hạn chế khai thác cây rừng làm trụ tiêu gây yếu tố bất ổn về môi trường. Cạnh đó, thực hiện liên kết với các Viện, Trường xây dựng các cơ sở sản xuất giống uy tín, tuyển chọn giống năng suất cao, phẩm chất tốt, có khả năng kháng bệnh và phù hợp với điều kiện sinh thái; tiến hành công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng nhằm đảm bảo sản xuất giống có nguồn gốc, sạch bệnh.
Bên cạnh đó, ngành thực hiện quản lý, phòng trừ bệnh hại, nhất là bệnh chết nhanh chết chậm bằng các biện pháp tổng hợp. Ngoài ra, tỉnh Đắk Nông cũng khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và các mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững, thân thiện với môi trường; xây dựng cơ sở chế biến hồ tiêu tại các huyện Đắk Song, Đắk R’lấp với trang thiết bị hiện đại để chế biến tiêu chất lượng cao nhằm gia tăng giá trị; đăng ký mẫu mã và xây dựng thương hiệu để tăng khả năng cạnh tranh.