Chỉ số PAPI 2023: “Mỏ vàng” dữ liệu định lượng, công cụ đo lường đáng tin cậy
Công bố chỉ số PAPI 2020: Đồng Tháp vươn lên vị trí thứ 2 cả nước Chỉ số PAPI 2022: Người dân lạc quan về kinh tế Chỉ số PAPI 2022: Quảng Ninh đứng vị trí dẫn đầu toàn quốc |
Sáng ngày 2/4, Hội nghị công bố PAPI 2023 đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của đại diện các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, bộ, ngành trung ương, chính quyền địa phương, các cơ quan ngoại giao, cơ quan của Liên Hợp Quốc, tổ chức phát triển quốc tế, tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội, viện nghiên cứu và các cơ quan thông tấn, báo chí.
Phát biểu tại Hội nghị, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, bà Ramla Khalidi cho biết: "Chỉ số PAPI đóng góp vào việc phát triển bao trùm ở Việt Nam, cung cấp nhiều dữ liệu về nhu cầu cũng như ưu tiên của người dân để đem lại thông tin hữu ích cho việc thiết kế, thực thi các quy định, chính sách pháp luật cấp quốc gia. Từ đó phục vụ người dân tốt hơn, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững".
Bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: BTC |
Đặc biệt, bà Ramla Khalidi cũng như tổ chức UNDP cảm thấy rất vui vì 3 phát hiện quan trọng thông qua chỉ số PAPI, gồm: kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thúc đẩy tiềm năng quản trị điện tử, những thay đổi tích cực về điều kiện tiếp cận internet của người dân và mức độ sử dụng các cổng dịch vụ công ở địa phương so với năm 2020.
Từ năm 2009, Chỉ số PAPI đã lắng nghe 197.779 lượt người dân thuộc mọi thành phần nhân khẩu học phản ánh về hiệu quả quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp.
Với ‘mỏ vàng’ dữ liệu định lượng, Chỉ số PAPI ngày một trở thành một công cụ đo lường ‘của dân, do dân và vì dân’ đáng tin cậy, cung cấp thông tin thực chứng cho quá trình xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật, chính sách liên quan tới người dân, cũng như cho quá trình xây dựng kế hoạch hành động nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân phản ánh qua Chỉ số PAPI của tất cả 63 chính quyền cấp tỉnh.
Trong khuôn khổ Hội nghị, PGS. TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (HCMA) đánh giá cao những kết quả đã đạt được của HCMA và UNDP trong hành trình hình thành và phát triển của Bộ chỉ số PAPI.
PGS. TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (HCMA) phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: BTC |
PGS, TS. Dương Trung Ý chia sẻ: “Nhìn lại những thành tựu hợp tác giữa HCMA và UNDP trong 15 năm qua, có thể thấy chúng ta đang đi đúng hướng, kết quả nghiên cứu đã có tác động tích cực, trực tiếp đến những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như thực tiễn quản trị công ở các địa phương của Việt Nam,” .
“Các bộ chỉ báo khách quan như PAPI, PCI, hay chỉ số Cải cách hành chính công (PAR Index), một mặt được coi là một căn cứ quan trọng để đánh giá hiệu quả thực thi công vụ của các bộ, ngành địa phương. Mặt khác, cung cấp những gợi ý quan trọng để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển đất nước, triển khai Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, lấy người dân làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau”, ông Dương Trung Ý nhấn mạnh.
Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (với tên viết tắt tiếng Anh là PAPI) là công cụ người dân tham gia giám sát hiệu quả của chính quyền trong việc thực thi chính sách đến cấp cơ sở. Sau khảo sát thí điểm vào năm 2009 và thực hiện trên quy mô lớn hơn vào năm 2010, khảo sát PAPI đã tiến hành trên phạm vi toàn quốc từ năm 2011. PAPI đo lường 8 chỉ số nội dung: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường và quản trị điện tử. |