Thành lập Sàn giao dịch xăng dầu ở Việt Nam: Cần lộ trình phù hợp
Lợi ích tiềm năng
Thời gian gần đây, vấn đề thành lập Sàn giao dịch xăng dầu tại Việt Nam đã nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận và các cơ quan quản lý nhà nước. Giữa tháng 7/2024, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu, thành lập sàn giao dịch xăng, dầu, hướng tới mục tiêu minh bạch hóa hoạt động kinh doanh, bảo đảm cơ chế định giá linh hoạt, cải thiện phân phối, lưu thông...
Thực tế trên thị trường, Việt Nam chỉ chủ động được một phần nguồn cung xăng dầu đang ảnh hưởng đến tính thanh khoản và tính đa dạng của sản phẩm. Tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu xăng dầu 6 tháng đầu năm 2024 đạt 12,41 triệu tấn, tương đương khoảng 15,2 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Trong đó, nhập khẩu chiếm 44,5%, sản xuất trong nước chiếm 55,5%.
Với mức độ nhập khẩu sản phẩm lớn, giá cả xăng dầu Việt Nam phụ thuộc vào giá cả thị trường xăng dầu thế giới. Ngoài lượng 44,5% xăng dầu nhập khẩu hoàn toàn phụ thuộc giá thế giới, thì lượng sản xuất xăng dầu 6 tháng đầu năm 2024 của 2 Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn đạt 6,87 triệu tấn, tương đương khoảng 8,3 triệu m3/tấn xăng dầu các loại cũng được nhập dầu thô từ các thị trường nước ngoài nên giá cả cũng phụ thuộc lớn vào thị trường quốc tế.
Việc thành lập Sàn giao dịch xăng dầu mang lại nhiều lợi ích như tăng tính minh bạch vì giá cả được hình thành dựa trên cơ chế cung cầu, giúp loại bỏ tình trạng thao túng giá. Ảnh minh họa |
Việt Nam đã có những bước đi đầu tiên trong việc phát triển thị trường giao dịch hàng hóa với việc cho phép niêm yết thí điểm các mặt hàng dầu thô, năng lượng tại Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, việc thí điểm này đã tạm dừng để sửa đổi một số quy định pháp luật liên quan.
Phó Giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam Nguyễn Ngọc Quỳnh thông tin: "Quá trình thí điểm chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia giao dịch vì chính sách chưa ổn định. Việc thí điểm đã dừng từ ngày 27/5/2024 do Bộ Công Thương đang sửa một số quy định liên quan đến kinh doanh xăng, dầu và mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa”.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đặt vấn đề tham khảo kinh nghiệm của các Sàn giao dịch xăng dầu trên thế giới. Đây là một hướng đi đúng đắn, giúp Việt Nam rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu trước khi quyết định thành lập Sàn giao dịch riêng.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh: “Việc hình thành một Sàn giao dịch xăng dầu như là nơi để các doanh nghiệp đầu mối, bán lẻ, thương nhân phân phối xăng dầu, các doanh nghiệp bán lẻ cùng giao dịch mua bán xăng dầu mang tính vật chất tại Việt Nam là thực sự cần thiết và đem lại nhiều lợi ích”.
Đánh giá về tác động của sàn giao dịch, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, trước hết, sàn giao dịch sẽ giúp tăng cường tính minh bạch, công khai về giá cả, khối lượng, giảm thiểu rủi ro.
Thứ hai, tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả các các chủ thể trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu như các nhà máy sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp tư nhân bán lẻ xăng dầu đều có quyền tham gia.
Thứ ba, góp phần thúc đẩy sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ xăng dầu trong cả nước.
Thứ tư là góp phần hạ giá bán đối với xăng dầu, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, do việc định giá sát với nguồn nhập khẩu từ các thị trường Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Aramco (Trung Đông), Mumbai (Ấn Độ) hay Kazakhstan (Trung Á)... có giá thấp hơn từ 8-10% so với giá Platt Singapore.
Thứ năm, Sàn giao dịch xăng dầu là nguồn cung cấp thông tin đáng tin cậy về khối lượng, giá cả, chất lượng hàng hóa giúp cho các chủ thể kinh tế, ngay cả cơ quan quản lý nhà nước có những dự báo chính xác, góp phần dự báo và lên kế hoạch, tránh đứt gẫy chuỗi cung ứng, đáp ứng các yêu cầu của thị trường.
Lộ trình phát triển dài hạn
Ý tưởng thành lập Sàn giao dịch xăng dầu tại Việt Nam đã nhận được nhiều sự quan tâm. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích tiềm năng, việc triển khai dự án này cũng đối mặt với không ít khó khăn. Việc xây dựng và vận hành một Sàn giao dịch xăng dầu đòi hỏi nguồn vốn đầu tư ban đầu rất lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin và đào tạo nhân lực. Đây là một trở ngại lớn, đặc biệt đối với các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.
Ngoài ra, thị trường xăng dầu chịu ảnh hưởng lớn của nhiều yếu tố, từ giá dầu thô thế giới đến các chính sách của Chính phủ. Sự biến động giá mạnh có thể gây ra nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư và ảnh hưởng đến ổn định thị trường.
“Để thực hiện việc mua bán diễn ra đúng quy định, trôi chảy thì các chủ thể tham gia thị trường cần phải thực hiện ký quỹ dự phòng rủi ro hoặc đặt cọc theo tỷ lệ % trên giá trị khi ký Hợp đồng mua bán xăng dầu với Trung tâm thanh toán của Sàn giao dịch. Nếu các bên không thực hiện đúng hợp đồng về số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng... thì Trung tâm thanh toán của Sàn giao dịch sẽ căn cứ quyết định của Tòa án để trích quỹ dự phòng rủi ro hay trích tiền cọc để xử lý” ông Thịnh đề xuất.
Về lâu dài, mục tiêu là xây dựng một Sàn giao dịch xăng dầu hoạt động hiệu quả, minh bạch và tự do cạnh tranh.
Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Trịnh Quang Khanh phân tích: "Việc cho phép doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch xăng, dầu là chủ trương đúng đắn, nên cố gắng thực hiện. Tuy nhiên, để xây dựng, vận hành sàn có hiệu quả, đáp ứng mục tiêu đặt ra, cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, có sự đồng thuận của các cấp, ngành và năng lực đáp ứng của doanh nghiệp".
Phía hiệp hội cũng cho rằng, việc có nên thành lập Sàn giao dịch xăng dầu tại Việt Nam hay không là một vấn đề cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Chính phủ cần tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp, đồng thời xây dựng một khung pháp lý hoàn chỉnh trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.