Đề xuất thành lập sàn giao dịch xăng dầu: Góc nhìn chuyên gia
Nghiên cứu thành lập sàn giao dịch xăng dầu Thành lập sàn giao dịch xăng dầu: Bài toán có thật sự dễ dàng? Bộ Công Thương thu hồi giấy phép của 2 thương nhân phân phối xăng dầu |
Việc thành lập các sàn giao dịch hàng hoá, trong đó có xăng dầu được chuyên gia kinh tế PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng - Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) chia sẻ điểm nhìn.
Thưa chuyên gia, ông nhìn nhận thế nào về mô hình các sàn giao dịch hàng hoá?
Mô hình sàn giao dịch nói chung hay sàn giao dịch xăng dầu nói riêng là mô hình phổ biến và phát huy được tác động cơ chế thị trường. Trên thế giới, bên cạnh sàn giao dịch xăng dầu như London, New York, còn có sàn giao dịch hàng hóa (Amsterdam, Chicago), hay sàn giao dịch ngoại hối, chứng khoán, vàng (8 thị trường toàn cầu và các sàn giao dịch khu vực khác). Phương thức vận hành mô hình này cũng tương tự nhau trong việc bảo đảm kết nối, cân bằng cung cầu, minh bạch thông tin và phản ánh khách quan nhất tình hình thị trường thông qua hàng loạt các chỉ số.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng |
Việt Nam đã có sàn giao dịch chứng khoán được vận hành 27 năm và đang cố gắng nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Thực tế cho thấy, những vấn đề xoay quanh ngoài tác động tích cực còn có tình trạng thao túng cổ phiếu, lũng đoạn thị trường buộc phải xử lý hình sự nghiêm khắc như các đại án liên quan đến sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam gần đây.
Điều đó cho thấy tính chất bất cân xứng thông tin của các sàn giao dịch này là vấn đề có tính cố hữu. Nó có thể được các tác nhân tham gia thao túng và “qua mặt” cơ quan quản lý vào thời điểm khó tường minh. Khi vụ việc bị phát giác, xử lý thì chế tài bồi thường thiệt hại cho các tác nhân khác hầu như không thỏa đáng, gây trồi sụt chỉ số niềm tin vào thị trường. Việc “khử” được tình trạng thao túng này là không dễ dàng, kể cả các thị trường phát triển nhất.
Việt Nam đã từng có thời kỳ thành lập sàn giao dịch cà phê ở Đắk Lắk và cho đến nay đã 27 năm chưa có kết quả và địa điểm sàn giao dịch này đã trở thành viện bảo tàng cà phê để đón khách du lịch.
Trong bối cảnh đó, việc thiết lập sàn giao dịch xăng dầu ở Việt Nam liệu có phát huy được tác dụng hay không?
Đối với sàn giao dịch xăng dầu - đây là ý tưởng coi trọng đáng kể tác động tích cực dự kiến nhưng hiện chưa đánh giá đầy đủ và lượng hóa cụ thể đến đối tượng hữu quan một cách đầy đủ, thận trọng, công khai, khoa học với mục tiêu minh bạch hóa sản lượng, giá cả, quy mô giao dịch hàng, tác nhân tham gia, và tuân thủ theo cơ chế thị trường là mô hình như đã nêu trên.
Thực chất, sàn giao dịch xăng dầu có sứ mệnh minh bạch hóa thông tin nhưng không thể bình ổn giá vì sàn giao dịch sẽ liên thông cao nhất với thế giới. Giá cả xăng dầu nội địa Việt Nam do giá xăng dầu thế giới quyết định. Sàn giao dịch sẽ khó áp dụng mục tiêu bình ổn giá vì hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Với mục tiêu bình ổn giá hầu như không thực hiện được, nhất là có sự tham gia rộng rãi của đối tác quốc tế vào sàn giao dịch.
Ảnh minh hoạ. |
Điều 21 Luật Giá số 16/2023/QH15, phụ lục 1, khoản 1, quy định xăng dầu thành phẩm là mặt hàng được Nhà nước bình ổn giá. Nghĩa là khi có sự biến động giá quá một ngưỡng nhất định (Luật chưa quy định chi tiết ngưỡng này), Nhà nước có sứ mệnh áp dụng các công cụ, biện pháp để bình ổn giá để bảo đảm an ninh quốc gia, lợi ích chính đáng và hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng và các đối tượng hữu quan khác.
Nếu sử dụng cơ chế sàn giáo dịch xăng dầu thì khó áp dụng, thậm chí vô hiệu hóa đáng kể vai trò bình ổn giá vì giá cả do thị trường quốc tế quyết định hoàn toàn, thị trường xăng dầu Việt Nam quy mô nhỏ, không thể quyết định được giá thế giới mà bắt buộc phái chấp nhận giá cả quốc tế một cách chủ động và thụ động. Việc thành lập sàn khi đó sẽ tác động ngược lại phần nào quy định pháp luật hiện hành, làm giảm vai trò Nhà nước đối với giá mặt hàng này cũng như có thể gây ra các tình huống bất lợi.
Chẳng hạn, nếu giá xăng dầu tăng đột biến 1,5 đến 2 lần và trong lịch sử đã xảy ra với mức tăng cao 3 - 4 lần, Sàn sẽ điều chỉnh mức giá này như thế nào để bình ổn khi Việt Nam không thể bình ổn cho một thị trường liên thông toàn thế giới. Sự bình ổn để giảm giá trong nước so với giá ngoài nước tăng vọt, suy cho cùng, lấy ngân sánh Việt Nam bù giá cho toàn thế giới…
Hơn nữa, không nên chỉ thành lập mỗi sàn giao dịch xăng dầu mà có nhiều mặt hàng cũng cần thành lập sàn giao dịch có thể có tác động lớn như sàn giao dịch nông sản khi Việt Nam có khả năng trở thành quốc gia chi phối đáng kể giá nông sản.
Liệu ý tưởng về thành lập sàn giao dịch xăng dầu sẽ vẫn là cần thiết?
Ở đây cần đánh giá chi tiết, cụ thể hơn mô hình này để khẳng định đó là mô hình thay thế tốt hơn rất nhiều cho cơ chế vận hành hiện tại, loại bỏ triệt để tác động tiêu cực như đầu cơ, găm hàng, thiếu minh bạch, buôn lậu, khai khống giá nhập khẩu từ ngoài biển quốc tế… Cần công khai phương pháp, kết quả tác động để nhận được sự đánh giá đầy đủ cả từ nhà hoạch định chính sách, quy định pháp luật trong quản lý chặt chẽ xăng dầu vì gắn với chỉ số giá tiêu dùng CPI, doanh nghiệp, người tiêu dùng và tham chiếu thực tiễn tốt để mô hình có thể áp dụng lâu dài, vững chắc, không chỉ dừng lại ở thí điểm, tạm thời, gây lãng phí thời gian và chi phí.
Không nên quá coi trọng đề xuất một cơ chế giao dịch xăng dầu mới khi chưa rõ tác động có thể đo lường cụ thể trong khi cơ chế vận hành hiện tại có thể cải tiến và quyết liệt tinh gọn hóa, thông minh hóa và liêm chính hóa từ các đối tượng theo quy định pháp luật chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch, có thể dự báo.
Xin cảm ơn ông!