Phải truy trách nhiệm vụ cấp ‘lậu’ gần 150.000 chứng chỉ IELTS và APTIS
Thiếu kiểm tra, giám sát
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công kết luận thanh tra về việc liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam. Hai đơn vị là Công ty TNHH British Council (Hội đồng Anh) và Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Na (IDP) đã liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài khi chưa được phép, tổng cộng gần 150.000 chứng chỉ IELTS và APTIS.
Theo thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ 1/1 - 17/11/2022, Hội đồng Anh Việt Nam đã cấp khoảng 90.400 chứng chỉ tiếng Anh, gồm chứng chỉ IELTS, APTIS khi chưa được cấp phép liên kết tổ chức thi.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã thông báo IDP dù chưa được cấp phép nhưng từ 1/1 đến 16/11/2022 vẫn liên kết tổ chức thi, cấp 56.230 chứng chỉ IELTS .
Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2022, thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết có gần 150.000 chứng chỉ cấp sai phép |
Theo kết luận thanh tra, các đơn vị đã vi phạm các quy định tại Thông tư 11/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Nghị định 86/2018 của Chính phủ.
Chia sẻ với Báo Công Thương về vấn đề này, TS. Đặng Văn Cường, giảng viên Đại học Thuỷ Lợi cho rằng, khi chưa có Nghị định 86, các tổ chức cấp chứng chỉ nước ngoài hầu như ngoài tầm kiểm soát của nhà nước Việt Nam. Nghị định 86 quy định các điều kiện đảm bảo các điều kiện phù hợp với Việt Nam.
Nghị định có hiệu lực từ tháng 8/2018. Sau 4 năm, đến tháng 7/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra thông tư hướng dẫn, có hiệu lực vào tháng 9/2022. Tiếp 2 tháng sau đó, tức là tháng 11/2022 một số tổ chức/đơn vị thông báo dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài là do các bên liên kết chưa làm hồ sơ hoặc chưa hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt theo quy định.
Từ sự việc này, nhiều ý kiến cho rằng, đang có "lỗ hổng" trong quản lý giáo dục. Cũng theo TS. Đặng Văn Cường: "Khi cơ quan chức năng ban hành văn bản tạm đình chỉ việc tổ chức đánh giá năng lực của một tổ chức liên kết nào đó thì phải công khai thông tin này để các thí sinh, những người muốn dự thi được biết. Nếu đã công khai thông tin rồi thì phải kiểm tra giám sát, kịp thời phát hiện ra những vi phạm nếu có. Nếu có vi phạm thì cần xử lý nghiêm, xử phạt, thậm chí rút giấy phép…".
Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: "Các đơn vị tổ chức liên kết thi chưa đảm bảo về mặt thủ tục hồ sơ, còn chất lượng các chứng chỉ trên đảm bảo nên được sử dụng bình thường, không ảnh hưởng tới quyền lợi của người được cấp chứng chỉ", song vấn đề khiến dư luận quan tâm là vì sao các đơn vị tổ chức thi rầm rộ cả năm mà cơ quan có thẩm quyền lại không hay biết.
Trong khi theo Điều 1 Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24/10/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức được Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ: “Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trung cấp sư phạm... ; quy chế thi, tuyển sinh, đào tạo và văn bằng, chứng chỉ; bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng giáo dục...".
Chia sẻ thêm, TS. Đặng Văn Cường cho biết: "Từ sự việc cho thấy, trong công tác quản lý việc đánh giá năng lực ngoại ngữ quốc tế ở Việt Nam trong thời gian qua đang có những sai sót, lệch pha và còn có thể là sai phạm gây ảnh hưởng đến dư luận xã hội, có thể xâm phạm đến quyền lợi của học viên và chất lượng nguồn nhân lực".
Thu hàng trăm tỷ đồng từ việc cấp chứng chỉ "lậu"
Bên cạnh đó, dù chưa được phép tổ chức thi song với 150.000 chứng chỉ IELTS và APTIS đã được các đơn vị cấp, chỉ riêng số tiền lệ thí thi đã lên tới hàng trăm tỷ đồng (lệ phí IELTS khoảng 5 triệu đồng/lần). Vậy căn cứ ở đâu để các tổ chức thực hiện việc tổ chức thi và thu phí khi chưa được phép?
Trao đổi với Báo Công Thương về vấn đề này, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, điểm d khoản 6 Điều 99 Luật Giáo dục 2019 và khoản 4 Điều 8 Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định: "Cơ sở giáo dục dân lập, cơ sở giáo dục tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và các dịch vụ khác bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý. Thực hiện công khai chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo và mức thu theo cam kết trong đề án thành lập trường, công khai cho từng khóa học, cấp học, năm học theo quy định của pháp luật".
Các lệ phí thi IELTS do Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam thông báo trên website |
Như vậy, theo quy định, các cơ sở giáo dục dân lập, cơ sở giáo dục tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và các dịch vụ khác bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý. Tuy nhiên, TS. Đặng Văn Cường cho rằng: "Cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ, nếu phát hiện ra những hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, giả mạo trong công tác, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ thì có thể xem xét xử lý theo quy định của pháp luật".
Trong đó, cần làm rõ những nội dung như việc tạm đình chỉ tổ chức đánh giá năng lực do cơ quan nào ban hành, văn bản này có đúng thẩm quyền và có công khai không? Vì sao khi ban hành văn bản này lại không tổ chức thi hành? Và vì sao việc các trung tâm liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ với số lượng rất lớn như vậy mà không phát hiện kịp thời? Việc hợp thức hóa những chứng chỉ cấp không đúng thủ tục như vậy có tạo ra tiền lệ xấu hay không, có ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan tổ chức, ảnh hưởng đến nghĩa vụ tài chính của các doanh nghiệp nước ngoài hay không đối với nhà nước Việt Nam?
"Tất cả những vấn đề này cần phải làm rõ, có kết luận và có hướng xử lý phù hợp với quy định của pháp luật" - TS. Đặng Văn Cường thông tin.
Theo đó, TS. Đặng Văn Cường nhấn mạnh, cơ quan chức năng cần tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
"Trường hợp nếu kết luận của cơ quan chức năng xác định việc cấp chứng chỉ là không đúng pháp luật, những chứng chỉ lại bị thu hồi hủy bỏ thì có thể khởi tố vụ án hình sự về tội giả mạo trong công tác hoặc tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng để xử lý đối với các cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật" - TS. Đặng Văn Cường phân tích thêm.
"Cá nhân tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc vẫn ghi nhận năng lực của học viên đối với các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đó. Tuy nhiên cần làm rõ nguyên nhân của việc cấp chứng chỉ sai phạm, làm rõ trách nhiệm của đơn vị cấp chứng chỉ và cơ quan quản lý nhà nước. Mức độ sai phạm đến đâu thì phải xử lý đến đó để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra" - TS. Đặng Văn Cường nói.
Nghị định 86/2018 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục: - Đơn đề nghị phê duyệt liên kết tổ chức thi - Thỏa thuận hoặc hợp đồng giữa cơ sở tổ chức thi tại Việt Nam và cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ nước ngoài - Văn bản xác nhận tư cách pháp lý của các bên liên kết - Đề án tổ chức thi |