Dự thảo Luật Nhà giáo: “Nóng” chuyện chứng chỉ hành nghề
Các cựu nhà giáo truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo nước nhà Những doanh nhân thành công và mối lương duyên với nghề giáo Di sản của nhà giáo |
Tại buổi toạ đàm với các cơ quan báo chí về dự án Luật Nhà giáo do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chiều ngày 17/5, những nội dung về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo có trong dự án luật được nhiều cơ quan báo chí đặt câu hỏi.
Dự án Luật Nhà giáo được công bố lấy ý kiến từ ngày 13/5/2024. Theo dự kiến, dự án luật này sẽ được trình ra kỳ họp thứ 8 của Quốc hội vào tháng 10 tới để xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025.
Quang cảnh buổi toạ đàm |
Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng Luật Nhà giáo. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, dự án Luật được xây dựng nhằm đáp ứng lòng mong mỏi của đội ngũ hàng triệu giáo viên cả nước trong trước mắt cũng như lâu dài.
“Luật này là công cụ phát triển đội ngũ nhà giáo chứ không phải công cụ quản lý nhà giáo và hướng tới bảo vệ đội ngũ nhà giáo trong môi trường giáo dục cũng như tạo sự bình đẳng cho đội ngũ giáo viên”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói.
Liên quan đến vấn đề chứng chỉ hành nghề được cấp cho nhà giáo, đại diện ban soạn thảo dự án cho biết chứng chỉ này được cấp cho các đối tượng hoặc là đã tốt nghiệp các trường sư phạm hoặc là tốt nghiệp ngành khác nhưng hội đủ trình độ, nghiệp vụ sư phạm.
Cơ sở để hình thành chứng chỉ hành nghề là 3 yếu tố theo ban soạn thảo cho một người trở thành nhà giáo bao gồm chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng giảng dạy. Về thẩm quyền quản lý chứng chỉ này, ban soạn thảo cho biết, cơ quan nào cấp thì cũng cơ quan đó thu hồi.
Về vấn đề các tiêu chí cao để trở thành nhà giáo liệu có phải là yếu tố cản trở hay không, ban soạn thảo cho rằng, Nhà nước ta đánh giá rất cao vai trò của nhà giáo thể hiện qua những ưu đãi. Nhà giáo là nghề đặc thù bởi sản phẩm ra liên quan đến con người. Bởi vậy cần có các yêu cầu cao với nghề nhà giáo.
Về vấn đề liên quan đến giáo viên các trung tâm đào tạo, thỉnh giảng, kỹ năng sống được dư luận coi như những "nhà giáo tự do", nếu có yêu cầu cấp chứng chỉ hành nghề, cơ quan quản lý giáo dục sẽ xem xét cấp. Tuy nhiên theo đại diện ban soạn thảo dự án luật, đội ngũ này có biến động nhanh, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hình thức thí điểm quản lý để tiến tới có quy định cụ thể sau này trong Luật Nhà giáo.
Quy định về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo sẽ không gây xáo trộn đối với các nhà giáo đang hoạt động trong các cơ sở giáo dục, theo ban soạn thảo. Theo đó, dự thảo Luật Nhà giáo đã tính toán phương án chuyển tiếp thuận lợi cho 1,6 triệu nhà giáo đã được tuyển dụng vào ngành trước khi Luật có hiệu lực sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề mà không cần đánh giá sát hạch.