Đừng “thần thánh hoá” chứng chỉ IELTS để làm sai lệch việc học ngoại ngữ
Việt Nam có thí sinh đầu tiên giành giải IELTS khu vực Đông Á Kỳ thi tài năng IELTS lần II chính thức khởi động Người học lo lắng khi không rút được học phí ôn thi IELTS |
Về bản chất, IELTS chỉ là một kỳ thi đánh giá năng lực ngôn ngữ với bộ tiêu chí và triết lý riêng, tương tự nhiều kỳ thi khác như TOEIC hay PTE.
Luyện thi IELTS nên từ lớp 10, tốt nhất là lớp 11 nếu thực sự cần chứng chỉ ngoại ngữ này để nộp hồ sơ xét tuyển các trường ĐH trong nước hoặc nước ngoài. |
Về mặt kiến thức, những nội dung trong kỳ thi IELTS sử dụng đa dạng các chủ đề từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội. Tuy nhiên, những kiến thức này chỉ là công cụ để từ đó người học thể hiện năng lực ngôn ngữ chứ không phản ánh được thí sinh giỏi các ngành khác.
Theo các chuyên gia, luyện thi IELTS nên từ lớp 10, tốt nhất là lớp 11 nếu thực sự cần chứng chỉ ngoại ngữ này để nộp hồ sơ xét tuyển các trường đại học (ĐH) trong nước hoặc nước ngoài. Bởi, qua từng độ tuổi có các bài thi riêng được thiết kế tương thích, như Starters, Movers hay Flyers với lứa tuổi tiểu học và THCS. Các câu hỏi, ngữ liệu trong đề thi IELTS yêu cầu kiến thức, tư duy sâu sắc nên phù hợp hơn với lứa tuổi từ THPT trở lên.
Ngoài ra, phải nhìn nhận IELTS hay TOEFL đều là bài kiểm tra nên thí sinh phải được dạy về kỹ năng làm bài song quá trình này có thể chỉ kéo dài vài tháng. Điểm quan trọng nhất vẫn là kiến thức tiếng Anh tổng quát của thí sinh được trau dồi học tập qua nhiều năm tại trường lớp.
Như vậy, việc lạm dụng chứng chỉ IELTS trong xét tuyển các bậc học sẽ gây ra áp lực về tài chính và tạo sự không công bằng với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn cũng như học sinh ở vùng sâu vùng xa, học sinh chưa có điều kiện tiếp cận IELTS. Điều này càng bất lợi hơn khi số lượng giáo viên hiểu và đủ trình độ để giảng dạy IELTS còn hạn chế, chưa kể đến các vấn đề khác có liên quan như giáo trình, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, chi phí quản lý đào tạo, thù lao…
Thêm vào đó, học phí cho một khóa học IELTS tại các trung tâm không hề rẻ, chưa kể đến việc phải học nhiều khóa.
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa yêu cầu dừng tuyển thẳng lớp 10 cho thí sinh có điểm thi IELTS trên 4.0 nhiều năm qua là động thái kịp thời và phù hợp với khuyến nghị của đơn vị tổ chức thi cũng như thực tiễn giáo dục tại Việt Nam.
Động thái này giúp nhiều phụ huynh đỡ lo lắng hoặc đổ xô cho con em mình “luyện lò”, còn học sinh được “nhẹ gánh” áp lực lấy chứng chỉ. Các đơn vị tổ chức thi IELTS tuy không giới hạn độ tuổi dự thi, song cũng không khuyến khích thí sinh dưới 16 tuổi đăng ký.
Rõ ràng là đã đến lúc cần có cái nhìn nhận đúng vai trò của chứng chỉ IELTS để tạo cảm hứng cho việc học tiếng Anh cũng như để sử dụng phù hợp chứ không phải “thần thánh hoá” chứng chỉ này như hiện nay.
>>> Quan điểm của bạn thế nào về vấn đề này? Chia sẻ ý kiến hoặc bài viết ở bình luận bên dưới. Những ý kiến hay, được đăng tải sẽ hưởng chế độ nhuận bút theo quy định!