Nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam
Để nâng cao chuỗi giá trị, ngành hàng lúa gạo VN cần hướng tới mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao hiệu quả và tăng khả năng cạnh tranh…
Báo cáo “Nghiên cứu chính sách phát triển sản xuất lúa gạo bền vững phục vụ tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo Việt Nam” của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) mới đây cho thấy, trong hơn 20 năm qua, ngành lúa gạo Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, sản lượng lúa gạo liên tục tăng giúp Việt Nam không những đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn giữ vị trí là một trong 3 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới.
Theo báo cáo này, tính từ năm 1986 đến nay, năng suất lúa của Việt Nam đã tăng gấp 2 lần, từ 28,1 tạ/ha lên 55,8 tạ/ha và sản lượng đã tăng từ 16 triệu tấn lên 44 triệu tấn… Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo đang phải đối mặt với nhiều thách thức về tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; thị trường quốc tế cạnh tranh ngày càng gay gắt; đất sản xuất lúa bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa và việc chuyển đổi sang trồng các loại cây khác…
Từ thực tế trên, TS.Trần Công Thắng - Phó Viện trưởng IPSARD cho rằng: Chiến lược tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong thời gian tới cần hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh; hài hòa lợi ích giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị và đảm bảo công bằng xã hội.
“Để phát triển ngành lúa gạo bền vững cần ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến theo hướng tiết kiệm nước tưới và chi phí đầu vào, tăng hiệu quả đầu ra như canh tác lúa tiên tiến (SRI), tăng cường sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, hướng nghiên cứu ngành hàng lúa gạo cần tiếp tục tập trung phân tích chi phí hiệu quả kinh tế dựa trên các mô hình bền vững và truyền thống cũng như phân tích hiệu quả môi trường về lượng nước, phân bón, phát thải”, ông Thắng gợi mở.
Trong khi đó, nhận định về chính sách xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam, TS.Nguyễn Đức Thành - đại diện nhóm nghiên cứu ngành hàng lúa gạo của Liên minh Nông nghiệp cho rằng: Việc quá chú trọng đến tăng sản lượng như thời gian qua dẫn đến chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam không cao; thị trường xuất khẩu tập trung ở phân đoạn thấp, kém đa dạng và đặc biệt đang tập trung rất nhanh vào thị trường Trung Quốc, Châu Phi. Khi những thị trường xuất khẩu này gặp khó khăn, ngay lập tức tạo sức ép giảm giá lên toàn bộ thị trường nội địa, gây thiệt hại cho các thành phần trong chuỗi sản xuất lúa gạo trong nước, đặc biệt là người nông dân.
Mặt khác, thị trường xuất khẩu gạo hiện nay vẫn còn thiếu vắng các liên kết ngang giữa các công ty xuất khẩu và liên kết dọc giữa các công ty cung ứng đầu vào cho sản xuất. Xu hướng xây dựng vùng nguyên liệu giữa doanh nghiệp và nông dân được thực hiện nhưng rất “gượng ép” do các doanh nghiệp thu mua vẫn chủ yếu dựa vào nguồn cung sẵn có trên thị trường, sản phẩm xuất khẩu không có sự khác biệt lớn, rủi ro về lợi nhuận cao do thị trường đầu ra không ổn định. Do đó, trong quá trình tái cơ cấu TS. Nguyễn Đức Thành đề xuất ngành lúa gạo Việt Nam cần chuyển dịch nhanh sang sản xuất các loại gạo chất lượng cao hơn song song với đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và cung ứng gạo chất lượng cao phục vụ cho tiêu thụ nội địa. TS.Nguyễn Đức Thành khuyến nghị: Nhà nước sớm bãi bỏ thuế VAT đối với tiêu thụ gạo trong nước để tạo công bằng hơn giữa doanh nghiệp phân phối trong nước và doanh nghiệp xuất khẩu. “Hiện nay các công ty bán gạo trực tiếp cho người tiêu thụ gạo trong nước phải chịu thuế VAT 5% trong khi bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu thì không phải nộp. Điều này tạo ra bất lợi cho các doanh nghiệp muốn phát triển thị trường trong nước. Việc bãi bỏ thuế VAT sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp gạo tạo dựng được các thương hiệu gạo trên thị trường nội địa”, TS.Thành nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Văn Vương, Phó Trưởng phòng Cây Lương thực - Thực phẩm, Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT thì cho rằng: Để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành hàng lúa gạo, yếu tố khoa học công nghệ cần có các giải pháp đột phá hơn nữa trong thời gian tới. Hiện nay công tác nghiên cứu, đặc biệt là công tác giống vẫn còn nhiều hạn chế; các bộ giống lúa xuất khẩu vẫn chủ yếu hướng tới các thị trường dễ tính với giá trị thấp mà chưa có nhiều giống cho thị trường giá trị cao. Trong khi đó, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác nghiên cứu còn thiếu, không đồng bộ và lạc hậu.
“Để tái cơ cấu thành công ngành lúa gạo, thời gian tới, lĩnh vực khoa học công nghệ cần chú trọng nghiên cứu, chọn tạo và phát triển các giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao; các giống lúa thơm, đặc sản phù hợp với thị trường có giá trị hàng hóa cao, chống chịu được sâu bệnh cũng như thích ứng với từng vùng sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu…”, ông Vương nêu quan điểm./.
Nguyễn Tiến Dũng