Kỳ thi tuyển sinh THPT: Tư vấn hay ép buộc, ranh giới mong manh?
Áp lực mùa tuyển sinh: Chọn trường chuyên hay trường thường? Các trường tư “hot” tại Hà Nội tuyển sinh tiểu học như thế nào? Đừng “thần thánh hoá” chứng chỉ IELTS để làm sai lệch việc học ngoại ngữ |
Áp lực và câu chuyện phân luồng
Kỳ thi tuyển sinh THPT được ví như "đấu trường cam go" bởi hệ thống trường công lập không đáp ứng đủ nhu cầu học tập của học sinh, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh.
Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội, năm học 2023 - 2024 có 133.000 học sinh lớp 9, trong đó hơn 110.000 em đăng ký thi lớp 10 công lập, tỷ lệ còn lại không tham gia kỳ thi lên đến 17%. Con số này cho thấy, việc phân luồng học sinh sau THCS là một vấn đề nhức nhối, thu hút sự quan tâm của dư luận.
Phân luồng học sinh sau THCS cần được giải quyết một cách khoa học, hiệu quả để đảm bảo quyền lợi và tương lai của học sinh |
Hằng năm, khi số liệu này được công bố, dư luận lại “dậy sóng” về câu chuyện phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS. Một số phụ huynh phản ánh tình trạng nhà trường và giáo viên chủ nhiệm vận động học sinh có kết quả học tập chưa cao không đăng ký thi lớp 10, nhằm bảo đảm tỷ lệ đỗ cao - đạt chuẩn vốn là “cấu phần” vào thành tích tại các trường.
Phân luồng học sinh sau THCS được đánh giá là giải pháp hiệu quả để giảm áp lực cho học sinh, phụ huynh và nhà trường trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Để thực hiện tốt công tác này, tư vấn hướng nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Hoạt động tư vấn hướng nghiệp cần được thực hiện một cách chuyên nghiệp, bài bản, giúp học sinh hiểu rõ về bản thân, năng lực, sở trường, nguyện vọng và nhu cầu. Từ đó, các em có thể đưa ra lựa chọn phù hợp cho con đường học tập và phát triển sau THCS.
Tư vấn hay ép buộc?
Tuy nhiên, bên cạnh vai trò quan trọng, hoạt động tư vấn hướng nghiệp cũng tiềm ẩn nguy cơ bị lạm dụng. Một số trường hợp, giáo viên chủ nhiệm hoặc nhà trường có thể vì thành tích thi đua mà vận động, thậm chí ép buộc gia đình học sinh có kết quả học tập yếu không tham gia thi lớp 10 công lập.
Hành vi này hoàn toàn vi phạm đạo đức nhà giáo và quyền tự do lựa chọn của học sinh. Việc ép buộc học sinh theo hướng không phù hợp với năng lực và nguyện vọng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của các em.
Cô Nguyễn Thị Hương – Giáo viên trường Tây Hồ (Hà Nội) chia sẻ: “Ban giám hiệu nhà trường và giáo viên chủ nhiệm đã triển khai nhiều hình thức, làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp cũng như đưa ra lời khuyên hữu ích cho phụ huynh và học sinh để mọi người hiểu vào các trường công lập không phải là con đường duy nhất. Chúng ta không được đánh đồng phân luồng học sinh sau THCS thành câu chuyện “ép” thí sinh không được dự thi”.
Như vậy, để đảm bảo đảm tính công bằng và hiệu quả cho công tác phân luồng học sinh sau THCS, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh và học sinh. Về phía nhà trường nên đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp một cách chuyên nghiệp, bài bản, khách quan và được sự đồng thuận của phụ huynh.
Đặc biệt, giáo viên chủ nhiệm hơn ai hết cần xác định đúng năng lực học tập, sở trường của học sinh và tư vấn cho các em dựa trên nguyện vọng của bản thân học sinh. Về phía gia đình thì nên tôn trọng nguyện vọng và quyết định của con em mình, tránh đặt áp lực hay ép buộc các em theo hướng trái với năng lực và sở thích.
Phân luồng học sinh sau THCS là một vấn đề quan trọng, cần được giải quyết một cách khoa học, hiệu quả để đảm bảo quyền lợi và tương lai của học sinh. |