Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life:
Vì lợi nhỏ tổn hại niềm tin ngân hàng mang màu xanh quân đội
Khách hàng đến MBBank gửi tiết kiệm, được tư vấn mua bảo hiểm MB Ageas Life: Gian nan đòi lại tiền Thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ: Chuyên gia nói gì? |
Cách đây ít lâu, anh Mậu đến một chi nhánh ngân hàng Quân đội MB để gửi tiền tiết kiệm. Thế nhưng khi nhận “sản phẩm”, anh Mậu ngỡ ngàng khi không phải là sổ tiết kiệm thông thường mà lại là “chứng nhận bảo hiểm” từ công ty bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life, một công ty con của MB.
Hãy nghe vị khách này kể cảm giác khi nhận được “sản phẩm” sau khi nghe nhân viên “tư vấn”.
“Tờ giấy chứng nhận bảo hiểm khổ A5 tôi nhận được không ghi quyền lợi tôi được hưởng mà chỉ ghi một số thông tin hết sức chung chung về số hợp đồng, tên sản phẩm bảo hiểm, định kỳ đóng tiền, số tiền cần đóng, mã số khách hàng. Trong bản chứng nhận này còn có một thông tin vô lý và hết sức nực cười. Đó là ngày đáo hạn là ngày 17/2/2078, khi đó tôi 100 tuổi” (!)
Bức xúc vì “trao trứng gà” nhưng lại nhận được “vịt”, anh Mậu phải viện đến các cơ quan chức năng trong đó có cả báo chí. Cuối cùng thì sau nhiều thời gian đi về, anh Mậu cũng lấy lại được số tiền, chưa kể đến số lãi.
Còn phía ngân hàng MB mà cụ thể là công ty MB Ageas Life không ngớt “thanh minh, thanh nga” rằng đơn vị mình đã tư vấn nhiệt tình cho khách, rằng khách hàng đã “tự nguyện” tham gia sản phẩm.
Không phải ai cũng được may mắn như anh Mậu. Thời gian gần đây nhiều khách hàng đến với MB để gửi tiền tiết kiệm song sau một hồi tư vấn với nhiều chèo kéo quyền lợi một cách mơ hồ đã bị “bẻ ghi” sang bảo hiểm nhân thọ của MB Ageas Life rồi rơi vào hành trình gian nan đòi lại tiền của chính mình. Và khách hàng chỉ có thể biết được tiền của mình đi đâu về đâu khi nhận được “sản phẩm” như trường hợp anh Mậu.
Lấy lại được tiền đã khó, nói chi đến số tiền lãi lúc đầu bỏ ra để “chảy” sang tài khoản ngân hàng.
Một câu chuyện khác đắng lòng hơn. Có một chị từng bị lừa khi gửi tiết kiệm lại biến thành mua bảo hiểm nhân thọ tâm sự: "Mẹ tôi năm nay đã 75 tuổi, số tiền bị lừa kia mẹ phải tích cóp cả cuộc đời. Mẹ sống chắt chiu từng đồng, không dám mua đồ mới, tiết kiệm lấy tiền dưỡng già mà lại bị người ta lừa gạt. Mẹ tôi sốc và mất niềm tin ghê gớm".
Những câu chuyện nêu trên cho thấy, hiện tượng việc ngân hàng "ép" khách hàng mua bảo hiểm (mà MB Ageas là một ví dụ điển hình) là không thể chấp nhận và trên thực tế thấy rõ dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật.
Khi khách hàng lăn tăn thì lại bị nhân viên “pha loãng” nỗi đắn đo bằng những tư vấn quyền lợi xa tít mù khơi, còn trong trường hợp đòi tiền thì được “gợi ý” cứ để ngân hàng giữ lại và khách tiếp tục “hưởng” lãi suất cao.
Nhiều khách hàng phản ánh việc đến MB gửi tiết kiệm bị "bẻ lái" sang mua bảo hiểm |
Thời gian qua, câu chuyện các ngân hàng “ép” khách hàng đến gửi tiền mua bảo hiểm đã trở thành vấn đề nóng đến độ các cơ quan quản lý chức năng là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã phải vào cuộc. Trong đó Bộ Tài chính đã phải lập được dây nóng. Kết luận về hiện tượng này cũng đã được Bộ Tài chính xây dựng song việc xử lý thực chất trên thực tế là chưa thuyết phục. Bản thân MB Ageas Life cũng đã từng bị thanh tra, kiểm tra về hành vi ép khách hàng mua bảo hiểm khi gửi tiền.
Xin được quay về dòng chảy chính của câu chuyện.
Ngân hàng Quân đội MB bank tự giới thiệu sứ mệnh của mình là “Vì sự phát triển của đất nước, vì lợi ích của khách hàng”. Không có nghi ngờ gì về việc chọn sứ mệnh trên của MB nhưng qua một loạt vụ việc liên quan đến MB Ageas Life người ta có quyền nghi ngờ về những hiệu ứng thực tế của sứ mệnh này cho dù chọn mô hình kinh doanh và sản phẩm nào hoàn toàn là quyền của doanh nghiệp, của ngân hàng.
Ngân hàng MB cũng luôn khẳng định việc “phát huy bản chất tốt đẹp và truyền thống vẻ vang của người chiến sỹ trên mặt trận kinh tế”, nghĩa là vẫn giữ vững bản chất vì nhân dân phục vụ của bộ đội Cụ Hồ. Nhưng những gì đang xảy ra giữa MB Ageas Life và khách hàng lại cho thấy dường như đang có sự ngược lại với việc gây cho khách hàng cảm thấy như bị đánh lừa và đi đến mất niềm tin vào hệ thống ngân hàng nói chung và mất niềm tin vào thương hiệu của MB nói riêng.
Trong một bài viết trên Báo Quân đội nhân dân nêu: "Thay vì quản lý truyền thống từ trên xuống, MB lấy khách hàng là trọng tâm, tập trung phát triển sản phẩm từ trải nghiệm thực tế của khách hàng, từ đó cải thiện, nâng cấp dịch vụ theo phản hồi của khách hàng" . Còn tại một hội thảo gần đây, Chủ tịch Ngân hàng Quân đội, Đại tá Lưu Trung Thái nói: "Sau mỗi phép thử là giai đoạn kiểm nghiệm. Nếu có kết quả mong muốn, chúng ta mới chuyển sang đầu tư lớn hơn”. Nói vậy mà không phải vậy, với việc liên doanh liên kết để sinh ra cái gọi là sản phẩm bảo hiểm kia, MB rõ ràng đã làm tổn hại niềm tin của biết bao khách hàng đối với một thương hiệu gắn với quân đội, với hình ảnh bộ đội cụ Hồ vì nhân dân phục vụ. Có lẽ đã đến lúc MB phải rà soát lại một cách nghiêm túc và loại bỏ ngay những dịch vụ làm tổn hại niềm tin ghê gớm đến như vậy.
Luật Tổ chức tín dụng và Luật Kinh doanh bảo hiểm đều cho phép ngân hàng thương mại được hoạt động là đại lý bảo hiểm. Song trong Luật Kinh doanh bảo hiểm nêu rất rõ trong quá trình bán bảo hiểm phải tư vấn một cách chính xác, thông tin phải đầy đủ, giới thiệu sản phẩm rõ ràng, lợi ích ra sao. Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng nghiêm cấm việc cưỡng ép bán bảo hiểm nếu khách hàng không tự nguyện.
Đâu là đạo đức, đâu là lương tâm của người làm nghề ngân hàng ở đây? Đã đến lúc MB phải nhìn lại và nhìn thẳng vào sự thật, mạnh dạn thanh lọc, cắt bỏ khối u mất uy tín để làm trong sạch chính mình!