Về thăm ngôi nhà nhỏ ven sông Hồng hai lần đón Bác
Chủ tịch Quốc hội dự Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Vĩnh PhúcPhát sóng bộ phim tài liệu "Bác Hồ với điện ảnh" tối nay (13/3) |
Ngôi nhà đặc biệt hai lần được đón Bác Hồ
Trong những ngày tháng Tám lịch sử này, nhiều người đến thăm ngôi nhà nhỏ nằm ven sông Hồng, là nơi đầu tiên tại Thủ đô Hà Nội đón Bác Hồ trở về từ chiến khu Việt Bắc.
Ngôi nhà đặc biệt hai lần đón Bác Hồ được gia đình ông Dũng hiến tặng cho Nhà nước |
Đây là nhà của cụ Nguyễn Thị An (số 6, ngõ 319, đường An Dương Vương, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội), nay được ông Công Ngọc Dũng, cháu nội cụ An gìn giữ. Nơi đây không chỉ chứa đựng những kỷ vật, tài liệu quý giá năm xưa, mà vẫn còn những câu chuyện về Bác Hồ in đậm trong trí nhớ của ông Dũng, qua lời kể của bà nội và cha. Mặc dù thời điểm năm 1945, ông Công Ngọc Dũng chưa ra đời, thế nhưng những câu chuyện về Bác Hồ ông đã được nghe bà, nghe bố kể lại đến mức khắc ghi từng chi tiết như đã được thấm vào tim, vào máu.
Ông Dũng kể lại: Đầu những năm 40 của thế kỷ XX, khi phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, cụ Nguyễn Thị An và ông Công Ngọc Kha (bố ông Dũng) tham gia cách mạng, phục vụ kháng chiến. Ngôi nhà đang ở cũng trở thành địa điểm họp bàn của cán bộ Việt Minh, trong đó có đồng chí Hoàng Tùng (nguyên Bí thư Ban chấp hành Trung ương khóa V).
Chiều tối ngày 23/8/1945, một đoàn cán bộ gồm hơn 10 người từ chiến khu Việt Bắc về. Gia đình ông Dũng không được báo trước về sự xuất hiện của Bác Hồ, chỉ nghĩ cũng như các đoàn cán bộ khác từng đến đây ở. Tuy nhiên hôm đó, ông Công Ngọc Kha (bố của ông Công Ngọc Dũng) thấy đoàn có thái độ rất trang nghiêm, đi về lặng lẽ hơn, trong đoàn có một ông cụ khác hẳn mọi người, thân hình gầy, yếu như mới qua một trận ốm sốt rét.
Chiếc tràng kỷ nơi Bác Hồ làm việc và nghỉ ngơi năm xưa |
Theo như lời bố tôi kể lại, cụ làm việc chăm chỉ, không ăn cơm, chỉ ăn cháo, làm việc rất khuya, sáng dậy sớm tập thể dục sau đó lại vào ngồi đánh máy. Tuy bận rộn như vậy nhưng ông cụ vẫn dành thời gian rèn luyện sức khỏe và dạy chị gái tôi tập hát, tập đếm. Đến chiều ngày 25/8 trước khi ra về, ông cụ có mời mọi người trong gia đình tới, nói lời cảm ơn gia đình vì đã chăm lo, giúp đỡ đoàn cán bộ và hẹn một ngày nào đó trở lại.
Tới 2/9/1945, khi gia đình tôi ra Quảng trường Ba Đình dự lễ mít tinh. Nghe giọng đọc qua loa phóng thanh, mọi người mới ngờ ngợ người đang đọc Tuyên ngôn độc lập hình như là ông cụ đã ở trong nhà mình trước đó, nhưng không dám khẳng định. Sau này khi trở về, gia đình mới được thông báo, ông cụ đã ở trong nhà của gia đình chính là Bác Hồ. Bố tôi kể mọi người vừa mừng, vừa tiếc nuối vì không nhận ra Bác Hồ sớm hơn vì ngày đó ai cũng quý Bác, chỉ mong được gặp Bác một lần.
Hơn một năm sau, ngày 24/11/1946, gia đình tôi lại vinh dự được đón Bác Hồ quay trở lại nhưng với cương vị Chủ tịch nước. Bấy giờ, trên cương vị lãnh đạo, bận trăm công nghìn việc, Bác Hồ vẫn dành thời gian về thăm lại gia đình cụ Nguyễn Thị An và người dân làng Phú Gia một lần nữa. Lần này gia đình được báo trước về sự xuất hiện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Về tới nơi, Bác Hồ hỏi bố tôi về ông cụ già trong nhà, tức ông nội tôi (Công Ngọc Lâm) và bảo bố tôi đi mời cụ xuống gặp Bác. Ông nội tôi khi xuống tới sân, nhìn vào trong nhà thấy Bác Hồ thì ông chuẩn bị dựng gậy vào cây hoa mộc để chắp hai tay vào vái, hành lễ. Khi thấy ông tôi chuẩn bị hành lễ thì Bác Hồ đi rất nhanh ra nói rằng: “Không không, bây giờ cách mạng rồi, chúng mình đều là anh em cả, không còn như chế độ thực dân trước đây nữa”. Rồi Bác và ông nội tôi dắt tay nhau vào nhà.
Ngôi nhà và những kỷ vật về Bác Hồ được ông Công Ngọc Dũng giữ gìn |
Không chỉ có bố và ông nội của ông Dũng được tiếp xúc với Bác, bà Công Thị Mai (chị gái ông Dũng) còn được Bác Hồ ôm, bế và dạy tập đếm, tập hát. Khi nhớ và kể lại câu chuyện này, ông Dũng rất xúc động và tỏ ra tiếc nuối vì khi đó ông chưa được sinh ra.
Tự nguyện hiến tặng ngôi nhà cho Nhà nước
Năm 1990, ông Công Ngọc Dũng được tiếp quản ngôi nhà của ông cha để lại. Không ít người trong dòng họ khuyên ông nên bỏ căn nhà để xây lại cho rộng rãi. Tuy nhiên với tâm huyết và lòng quyết tâm, ông Dũng đã giữ lại ngôi nhà và sẵn sàng hiến tặng cho Nhà nước để làm di tích lịch sử. Ông Dũng tâm nguyện, đây là ngôi nhà đặc biệt hai lần đón Bác Hồ được ông cha để lại, có chật thì ở chật, rộng thì ở rộng, riêng ngôi nhà này phải để làm chỗ thờ Bác, nên bằng mọi giá phải giữ lại.
Ông Dũng tâm nguyện, đây là ngôi nhà đặc biệt phải giữ lại |
Bao năm qua, những kỷ niệm về Bác Hồ cứ âm thầm lan tỏa và trở thành niềm tự hào của gia đình ông Công Ngọc Dũng. Năm 1996, vợ chồng ông quyết định tự nguyện hiến toàn bộ phần đất sân và ngôi nhà lưu niệm cho Nhà nước. Những vật dụng gắn với kỷ niệm khi Bác Hồ về dừng chân năm nào vẫn được gia đình lưu giữ nguyên vẹn cho đến nay.
Giữa gian nhà, gia đình đặt một chiếc ban thờ có ảnh Bác Hồ, cạnh đó là cờ Đảng, cờ Tổ quốc |
Có thể thấy, trải qua bao biến cố lịch sử, đến nay căn nhà cổ vẫn được các thế hệ trong gia đình gìn giữ, duy tu từng món đồ, kỷ vật mang hình bóng của Bác Hồ. Từ cổng vào nhà, nền gạch lát ở sân đến các hiện vật quan trọng như chiếc sập gỗ, chiếc tràng kỷ nơi Bác Hồ làm việc và nghỉ ngơi, chiếc phản mà đồng chí tháp tùng theo cạnh Bác (tức đồng chí Trần Đăng Ninh)... đến nay vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Giữa gian nhà, gia đình đặt một chiếc ban thờ có ảnh Bác Hồ, cạnh đó là cờ Đảng, cờ Tổ quốc và dòng chữ “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.
Chiếc máy chữ, vali mây được Bác Hồ mang về từ Chiến khu Việt Bắc |
Bên cạnh đó là chiếc máy chữ, vali mây được Bác Hồ mang về từ Chiến khu Việt Bắc và cả bể nước, chiếc gương, chậu rửa mặt bằng đồng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng… Hai buồng nhỏ ở hai đầu nhà là nơi trưng bày nhiều bức ảnh của các cán bộ cách mạng đã ở ngôi nhà này để hoạt động cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp; cùng ảnh của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tới thăm gia đình.
Chiếc chậu đồng Bác thường ngày rửa mặt |
Khi ngôi nhà gia đình ông Công Ngọc Dũng hiến tặng cho Nhà nước đã trở thành “Nhà lưu niệm Bác Hồ” và chính thức mở cửa đón khách tham quan từ năm 1996. Ngôi nhà thực sự trở thành “bảo tàng ký ức” lưu giữ những kỷ niệm in dấu chân Người với 14 di vật, hiện vật cùng nhiều tài liệu, hình ảnh liên quan sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu lại tại đây.
Năm 2019, ngôi nhà được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố. Và mới đây, tháng 12 năm 2021 không phụ tấm lòng của ông Dũng và gia đình, ngôi nhà đặc biệt đã được xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Quốc gia Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại nhà cụ Nguyễn Thị An (23-25/6/1945).
Hàng chục năm ông Dũng làm “hướng dẫn viên” giới thiệu ngôi nhà và những kỷ vật cho khách đến tham quan |
Từ khi trở thành “Nhà lưu niệm Bác Hồ” ông Công Ngọc Dũng vẫn không ngừng dốc sức trông coi, dày công gìn giữ ngôi nhà hàng chục năm qua. Không những thế, ông còn kêu gọi cả gia đình, vợ con cùng tay góp sức. Mỗi khi đến dịp kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm hay di tích tổ chức sự kiện lớn, cả đại gia đình, từ các bác, cô, chú, anh, chị, em trong nhà ông Dũng đều xắn tay vào góp công góp sức.
Đến thăm di tích lịch sử “Nhà lưu niệm Bác Hồ”, du khách không chỉ được ngắm nhìn những kỷ vật đáng quý, mà còn được ông Dũng say sưa kể những câu chuyện đầy cảm động về Bác Hồ được bà nội và cha kể lại - mắt ông ánh lên niềm tự hào. Bà Bùi Thị Lan Phương, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ xúc động: Chúng tôi rất xúc động được nhìn lại không gian ngôi nhà đặc biệt, nơi đầu tiên tại Thủ đô đón Bác Hồ trở về từ chiến khu Việt Bắc. Được nghe gia đình giới thiệu những kỷ vật, hiện vật mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng. Đây sẽ là những kỷ vật vô cùng quý giá cho các thế hệ sau, đặc biệt là những thế hệ trẻ nâng cao trách nhiệm tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong cuộc sống hiện đại ngày nay.
Đến với ngôi nhà đặc biệt được đón Bác Hồ hai lần, mỗi chúng ta càng thấy kính trọng biết ơn gia đình cụ Nguyễn Thị An đã đã có công lao với Cách mạng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Càng quý trọng thế hệ con cháu cụ An, trong đó cháu nội cụ An, ông Công Ngọc Dũng đã kế thừa và phát huy và cũng như bằng tâm huyết và công sức của mính đã dày công gìn giữ ngôi nhà kỷ vật, trở thành điểm đến có ý nghĩa lịch sử, văn hóa của Hà Nội và Quốc gia.