Văn hóa nhường đường phản ánh văn minh xã hội
Cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe để đảm bảo an toàn giao thông Lo ngại ăn trái cây, uống siro bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn: Cục Cảnh sát giao thông nói gì? |
Ở Hà Nội, lối xuống vành đai 2, vành đai 3 hàng ngày có rất nhiều xe không xếp hàng, bác tài chen lấn sang làn khẩn cấp từ trước đó cả cây số để nhanh chóng đi xuống. Ngược lại, lối đi lên cũng vậy, cứ mạnh ai người đó chen, có lẽ lúc vội, tắc đường như vậy họ không còn để ý tới luật, tình trạng trên khiến giao thông càng thêm ùn tắc. Còn trong đô thị, có biển báo phần đường, vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, nhưng khi sang đường tôi phải nhìn ngang, liếc dọc, lo nơm nớp vì không xe nào để ý nhường đường cho người đi bộ như trong luật.
Ảnh minh họa |
Ở bất cứ đâu trong nội thành, hay cả cao tốc, khi tham gia giao thông hầu hết tài xế đều cố gắng đi đúng luật nhưng cũng thường xuyên gặp xe ô tô đi ngược chiều, lấn làn, chạy ẩu. Trong tình thế đó xe đi đúng luật còn phải nhường đường cho xe đi sai luật vì họ ở vào tình thế đã rồi, không lùi, không quay đầu được. Một cách đi rất xấu, biết mình sai nhưng buộc người khác phải nhường.
Theo tôi, văn hóa này phải bắt đầu từ nhà trường, từ các trung tâm đào tạo lái xe. Quả thực, hầu hết các trung tâm đào tạo lái xe hiện không đào tạo lý thuyết mà cho học viên tự học ở nhà. Các thầy chỉ nhăm nhăm cho các học sinh luyện chạy sa hình để thi thực hành cho đỗ, cho đạt chỉ tiêu. Có học viên đi học về chia sẻ, khi học lái xe, thầy giáo dạy lái xe đã yêu cầu cứ “ôm” vô lăng, giữ làn trái mà chạy, hạn chế đổi làn. Bài học này đã góp phần tạo ra các lứa tài xế mới và dần dần thành thói quen, đi chậm nhưng cứ làn trái chạy suốt mà không quan tâm đến những xe chạy phía sau.
Đó là bài học ích kỷ và nguy hiểm của không ít người dạy lái xe. Thực tế cho thấy, lái xe mà “ôm” làn trái chạy suốt không những gây ức chế cho các xe chạy phía sau mà bản thân lái xe lề trái thường không an toàn khi có tình huống bất ngờ xảy ra.
Mới đây còn có thường hợp một thầy giáo dạy lái ô tô bị Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Tuyên Quang xử phạt 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3 tháng về hành vi không nhường đường cho xe ưu tiên trên tuyến Quốc lộ 2. Biết có đoàn xe ưu tiên đi phía sau, thậm chí có tín hiệu, còi ưu tiên, phát loa, nhưng cả thầy và học viên trên xe phớt lờ cảnh báo, tiếp tục giữ làn trái di chuyển gây cản trở đoàn xe ưu tiên.
Bất kể ngành nghề nào cũng bắt đầu từ môn học đạo đức, luật giao thông cũng vậy. Tôi nhiều lần tham gia giao thông và nhường đường cho người Nhật, người Hàn và người nước khác, sau khi tôi nhường họ sang đường vừa đi vừa cúi đầu cảm ơn, sang bên kia đường rồi họ vẫn đứng ở vỉa hè cúi đầu thêm để cảm ơn. Điều đó cho thấy, văn hoá của các nước họ được giáo dục từ bé nên việc tuân thủ luật pháp rất nghiêm và ai ai cũng phải tuân thủ, nhường nhịn nhau thì xã hội mới ngày càng phát triển và văn hoá là nền tảng của xã hội.
>>> Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ ý kiến hoặc bài viết ở bình luận bên dưới. Những ý kiến hay, được đăng tải sẽ hưởng chế độ nhuận bút theo quy định!