Tuyển sinh 2024: Nhiều trường đại học bỏ xét tuyển bằng học bạ là điều tích cực
Chia sẻ về vấn đề này, TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã đưa ra quan điểm rõ ràng: “Từ khi các trường áp dụng phướng án tuyển sinh bằng học bạ, tôi đã không tán thành. Nguyên nhân là vì các trường không cân nhắc kỹ vì sao lựa chọn phương án này, không lường trước những tiêu cực có thể xảy ra”.
Các trường ở nước ngoài cũng đã áp dụng hình thức này từ lâu. Tuy nhiên, họ có thể áp dụng vì hệ thống kiểm định của các trường phổ thông hoạt động rất tốt, có sự đồng bộ và đã hình thành được văn hóa chất lượng.
Trong khi đó, ở Việt Nam xuất hiện tình trạng thi cử gian lận, mua điểm, xin điểm… Chưa kể, trường chấm rộng, trường chấm chặt khiến điểm trong học bạ của học sinh “đẹp như mơ”. Từ đó, phổ điểm xét tuyển vào trường bằng học bạ cũng theo đó tăng lên.
“Vì vậy, năm nay nhiều trường đại học bỏ hình thức xét tuyển này là điều tích cực, đáng mừng”, Tiến sĩ Khuyến bày tỏ.
Tuy nhiên, Tiến sĩ cũng để xuất giải pháp để việc xét tuyển thuận lợi, dễ dàng hơn. Ông nói: “Thay vì sử dụng học bạ là hình thức xét tuyển chính, tôi đồng tình với quan điểm sử dụng học bạ trở thành tiêu chí phụ giống như việc cộng điểm cho các học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi cấp quốc gia, các cuộc thi thế giới”.
Minh chứng rõ ràng, các trường đại học top cao là nguyện vọng, ao ước của nhiều học sinh. Vì vậy, tỷ lệ chọi vào các trường cao, kéo theo mức điểm trúng tuyển cũng sẽ đẩy lên nhiều. Với mức điểm từ 29, 30 trở lên, học sinh thi tốt nghiệp rất khó đạt được điểm tuyển đối. Nhưng có các tiêu chí phụ, được cộng điểm sẽ dễ dàng tìm được thí sinh phù hợp, có năng lực.
Không những vậy, các trường tổ chức thêm các kỳ thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực như đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội (HSA), đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (APT), đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội (TSA)… để tuyển sinh, giúp giảm phụ thuộc vào kết quả học tập, kết quả thi tốt nghiệp THPT và tăng sự cạnh tranh công bằng giữa các thí sinh, đánh giá một cách khách quan.
Năm nay, Đại học Kinh tế Quốc dân tuyển 6.200 sinh viên, bằng năm 2023, theo 3 phương thức: xét tuyển thẳng; xét điểm thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển kết hợp theo đề án riêng. Như vậy, nhà trường không còn xét tuyển bằng học bạ.
Đặc biệt, phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án riêng chiếm tới 80%, 8% dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2024, còn lại 2% sẽ được xét tuyển thẳng.
Như vậy, năm 2024, Đại học Kinh tế Quốc dân đã bỏ phương án xét tuyển bằng học bạ THPT. Thay vào đó, trường tăng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án riêng.
Lý giải về sự thay đổi này, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ với báo chí, kết quả tuyển sinh qua các năm cho thấy hầu hết học sinh giỏi các trường chuyên đều đáp ứng được các điều kiện xét tuyển bằng các phương thức khác nhau. Vì vậy, việc bỏ xét tuyển học bạ sẽ giúp trường loại bỏ những trường hợp thí sinh ảo, tránh trùng lặp.
Ngoài ra, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng bỏ yêu cầu điểm học bạ đạt 7 trở lên với các môn trong tổ hợp, khi xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và đánh giá tư duy năm nay.
Năm nay, Học viện Kỹ thuật quân sự đã bổ sung thêm phương thức lấy kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh để xét tuyển.
Bên cạnh đó, trường vẫn sẽ tuyển sinh theo 3 phương thức khác gồm: xét tuyển thẳng; xét tuyển Học sinh giỏi bậc THPT (đối với các thí sinh đạt giải các môn nhất định, các thí sinh đạt chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế) và xét tuyển dựa vào kết quả đánh giá năng lực.
Các trường trong TP. Hồ Chí Minh cũng đề ra các phương án tuyển sinh. Đại học Luật Hồ Chí Minh: Xét tuyển sớm theo đề án tuyển sinh của trường chiếm 45% tổng chỉ tiêu, trong đó bao gồm cả xét tuyển thẳng, xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT với 55% tổng chỉ tiêu, tức không còn phương thức xét tuyển học bạ đơn thuần.
Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh cũng dự kiến sẽ tăng chỉ tiêu phương thức xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi đánh giá năng lực do khối các trường ĐH Sư phạm tổ chức trong năm 2024 từ 20% lên 40%.
Nhiều trường đại học bỏ xét tuyển bằng học bạ. Ảnh minh họa |
Trước đó, đầu năm nay, cử tri Thanh Hóa đã kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo việc bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ vì nảy sinh những vấn đề tiêu cực trong việc “làm đẹp” và “chạy điểm” tại các trường.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết Luật Giáo dục đại học năm 2018 cho phép các trường đại học tuyển sinh bằng các hình thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp cả hai.
Quy chế tuyển sinh đại học do Bộ ban hành cũng chỉ quy định nguyên tắc để đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các trường, còn trường đại học được tự chủ và chịu trách nhiệm về phương thức tuyển sinh. Vai trò của Bộ là chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế này.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, dù điểm học bạ có được sử dụng để xét tuyển đại học hay không, các trường phổ thông phải có trách nhiệm, biện pháp đảm bảo tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả của người học.