Chốt phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Thí sinh cần lưu ý những gì?
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ chỉ còn 4 môn, bao gồm 2 môn bắt buộc, là Toán và Ngữ văn, còn lại là 2 môn lựa chọn. Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận và các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.
Những điều thí sinh cần lưu ý với phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Ảnh minh họa |
Tiếng Anh trở thành môn thi tự chọn
Điều này đồng nghĩa với việc tiếng Anh – bộ môn quan trọng không kém Toán và Ngữ văn đã trở thành môn thi tự chọn, thí sinh có quyền không đăng ký thi môn học này, thay thế bằng môn học khác.
Sự thay lớn này khiến dư luận băn khoăn và không ít bậc phu huynh bày tỏ lo lắng về chất lượng giảng dạy của môn học tiếng Anh trong tương lai, cùng với đó khả năng ngoại ngữ của các em học sinh sẽ thay đổi thế nào, theo hướng tích cực hay tiêu cực?
Trước những nghi ngại thỏa đáng của công chúng, GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã có lời giải thích làm sáng tỏ câu chuyện đang gây tranh cãi này.
Theo GS.TS Huỳnh Văn Chương, môn ngoại ngữ trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 được chú trọng quan tâm. Ngay từ lớp 3, các em học sinh đã được học tập và đến bậc THCS và THPT được đưa vào nhóm môn học bắt buộc. Không chỉ riêng tiếng Anh, với toàn bộ các ngoại ngữ khác cũng vậy, các em học sinh được lựa chọn ngôn ngữ mình ưa thích và được định hướng từ năm lớp 3 đến lớp 12.
“Đó chính là nền tảng quan trọng nhất cho các em bổ sung, nâng cao năng lực, phẩm chất về ngoại ngữ. Quá trình dạy và học, ngoại ngữ được Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt quan tâm và lồng ghép vào tất cả các chuẩn đầu ra của học sinh, sinh viên. Do vậy, không thể nói chỉ vì một kỳ thi THPT mà làm ảnh hưởng đến quá trình dạy và học. Chúng tôi quan điểm quá trình dạy học là xuyên suốt, xem các môn học là như nhau trong quá trình học”, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nói.
Vị này cho biết thêm, trong trường hợp tổ chức thi bắt buộc môn ngoại ngữ thì không chỉ riêng tiếng Anh mà tất cả 7 môn ngoại ngữ khác cũng được các em học sinh chọn để dự thi theo nguyện vọng.
Có thể có nhiều hơn 2 môn thi tự chọn?
Có quan điểm cho rằng học sinh tham gia kỳ thi THPT nên được đăng ký nhiều hơn 2 môn thi tự chọn. Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục Trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, trước mắt thí sinh không được phép đăng ký thi nhiều hơn 2 môn lựa chọn. Mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng với 1 tổ hợp xét tuyển, do đó việc thi nhiều hơn 2 môn lựa chọn là không cần thiết.
“Với phương án thi này, thí sinh rất rộng đường khi chọn các môn lựa chọn, do đó các em cần cân nhắc kỹ trước khi đăng ký lựa chọn môn thi”, ông Hà nhấn mạnh.
Ngoài ra, 2 môn được lựa chọn phải là hai môn các học sinh đã học ở lớp 12 bậc THPT. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc kiểm định chất lượng giáo dục.
Cấu trúc đề ra sao?
Với sự thay đổi về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, cấu trúc đề thi mới cũng là vấn đề được thí sinh và các bậc phu huynh vô cùng quan tâm. Vậy nên, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định sẽ có đề mô phỏng định dạng đề thi.
Nội dung có thể chỉ gồm kiến thức lớp 10, 11 nhưng có ý nghĩa trong việc chỉ rõ cho thí sinh và giáo viên biết năng lực nào cần quan tâm, hàm lượng kiến thức như thế nào, cách thức ra đề thi ra sao. Dự kiến đề mô phỏng sẽ được thực hiện trong quý 4/2023.
Đề thi minh họa có vai trò quan trọng để dẫn đường, định hướng quá trình ôn tập của giáo viên, học sinh.
Sự thay đổi có đảm bảo chất lượng của kỳ thi?
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, Bộ xác định lấy học sinh làm trung tâm nên các em học chương trình nào sẽ thi theo chương trình đó. Chẳng hạn, những học sinh học chương trình cũ nhưng muốn thi lại với các học sinh học chương trình mới thì nội dung, cách thức ra đề thi vẫn thực hiện theo chương trình cũ (có hai đề thi, một đề theo chương trình mới và một đề theo chương trình cũ).
Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phương thức xét công nhận tốt nghiệp sẽ kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mục đích của kỳ thi nhằm đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và chuẩn cần đạt theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Đối tượng dự thi là người học đã hoàn thành chương trình THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT trong năm tổ chức thi hoặc đã hoàn thành chương trình THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp THPT và có nguyện vọng dự thi để được công nhận tốt nghiệp THPT. Người học đã có bằng tốt nghiệp THPT hoặc đã có Bằng tốt nghiệp trung cấp có nguyện vọng dự thi để lấy kết quả làm cơ sở xét tuyển sinh giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. |