Ngành da giày đã tận dụng hiệu quả ưu đãi xuất xứ trong EVFTA
Thưa bà, xin bà chia sẻ về hiệu quả việc tận dụng ưu đãi xuất xứ của các doanh nghiệp da giày khi xuất khẩu sang thị trường EU trong hai năm qua?
Thị trường EU là một thị trường truyền thống và cũng là thị trường chính của ngành da giày. Tuy nhiên trước khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực thì tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường EU chỉ chiếm khoảng 22 - 23%. Sau khi hiệp định có hiệu lực thì tỷ trọng này đã nâng lên 26%.
Bà Phan Thị Thanh Xuân |
Đặc biệt là trong hai năm vừa qua, khi mà ngành da giày chịu tác động của đại dịch Covid-19 thì hầu như xuất khẩu vào các thị trường đều có sự suy giảm. Nhưng cũng nhờ Hiệp định EVFTA mà ngành da giày vẫn duy trì được xuất khẩu vào thị trường EU. Năm 2021 là năm mà chúng tôi đánh giá là chịu ảnh hưởng lớn nhất thì thị trường EU vẫn có sự tăng trưởng.
Nhờ thế, kim ngạch xuất khẩu của ngành năm 2021 vẫn đạt kế hoạch đề ra và trong thời gian 9 tháng vừa rồi thì qua khảo sát dữ liệu thống kê chúng tôi thấy mức độ tăng trưởng xuất khẩu da giày vào thị trường EVFTA khá tốt ở mức 15%. Hầu như mức độ tăng trưởng xuất khẩu vào tất cả các thị trường trong khối EVFTA đều tăng ở mức 15 - 20%.
Dù có tăng trưởng như vậy song chúng ta cần phải nhận định là trong bối cảnh mới, khi mà tình hình chính trị cũng như kinh tế tại EU có nhiều biến động và trên toàn cầu có những xu hướng mới đang thay đổi dòng chảy thương mại. Vậy, ngành da giày nhận định như thế nào về khó khăn của ngành khi tác động đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp sang thị trường EU nói riêng cũng như sang các thị trường quốc tế nói chung?
Như chúng ta đã biết là từ quý IV năm 2022 thì những ngành xuất khẩu, trong đó có ngành da giày chịu tác động rất lớn của thị trường thế giới. Cụ thể như là các thị trường xuất khẩu chính như thị trường Mỹ, thị trường EU, thị trường Nhật Bản có mức suy giảm do tình hình lạm phát cũng như sức tiêu dùng cũng suy giảm. Đặc biệt, lượng tồn kho của ngành da giày khá lớn đối với mặt hàng thời trang, ảnh hưởng tới tình hình đơn hàng của ngành da giày. Dự kiến phải đến hết quý II/2023 thì tình hình may ra mới có tín hiệu khả quan và điều này cũng tác động khá là lớn tới đơn hàng cũng như là lao động của ngành da giày. Chúng tôi cũng xác định đây là một trong những thách thức rất lớn đối với ngành.
Ngành da giày tận dụng khá tốt ưu đãi từ EVFTA |
Trong bối cảnh đó, các giải pháp mà chúng tôi đang hướng tới, đó là phải mở rộng tìm kiếm thêm các nguồn cung mới, các thị trường mới và đặc biệt là chúng ta cần cố gắng tận dụng tốt các thị trường mà đã có Hiệp định tự do Việt Nam đã ký kết. Đấy là một lợi thế, đặc biệt trong bối cảnh sản phẩm giày dép Việt Nam của chúng ta đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu, chỉ sau Trung Quốc và cũng đã có một thương hiệu made in Việt Nam khá tốt. Do đó chúng ta cũng là một nước mà khá uy tín trong việc sản xuất các dòng sản phẩm, đặc biệt là giày thể thao theo các nhãn hàng lớn.
Chính vì thế mà chúng tôi cũng hy vọng rằng trong lượng tổng cầu suy giảm, nhưng đơn hàng với Việt Nam sẽ vẫn được duy trì.
Vậy thì ngành da giày sẽ có những hành động và giải pháp như thế nào trong thời gian tới để có thể nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi xuất xứ trong sản phẩm xuất khẩu sang thị trường EU, thưa bà?
Như chúng ta đã biết sản phẩm chủ lực của ngành da giày là giày thể thao. Trong hơn một tỷ đôi giày dép sản xuất tại Việt Nam thì 2/3 là chúng ta sản xuất giày thể thao. Nhưng đối với mặt hàng này, chúng ta đang phải nhập khẩu khá là nhiều da thuộc với hơn 1 tỷ USD hàng năm. Đây cũng là một thách thức rất lớn khi mà chúng ta chưa chủ động được nguồn nguyên liệu này.
Đặc biệt đối với thị trường EU thì đối với dòng giày da thì chúng ta lại có lộ trình được hưởng thuế và sau 7 năm thuế về 0% là một cơ hội rất lớn, bởi vì mặt hàng này là mặt hàng mà có cái hàm lượng giá trị gia tăng khá cao.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng, trong giải pháp sắp tới, chúng ta cần phải thu hút thêm đầu tư sản xuất loại nguyên phụ liệu da thuộc tại Việt Nam để nâng tỷ trọng nguyên liệu nội địa trong sản xuất giày, đặc biệt giày da để xuất khẩu vào thị trường EU. Như vậy thì chúng ta sẽ tận dụng được cơ hội này tốt hơn nữa trong thời gian sắp tới.
Để có thể tận dụng được tốt hơn nữa như bà vừa chia sẻ. Vậy thì các doanh nghiệp da giày nói riêng cũng như cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam nói chung sẽ cần có sự hỗ trợ như thế nào từ phía cơ quan quản lý nhà nước cũng như cần có những trợ lực như thế nào từ chính sách?
Chúng tôi thấy có hai mảng cần phải hỗ trợ. Thứ nhất là vấn đề về chính sách. Như chúng ta đã thấy là muốn phát triển những dòng giày mà có hàm lượng giá trị gia tăng cao thì chúng ta cần phải tập trung thu hút đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, đặc biệt ở đây như tôi nói đấy là nguyên liệu về da thuộc.
Chúng ta nên có những địa phương có thể mà mở rộng phát triển vùng nguyên liệu này với những công nghệ mới, công nghệ thân thiện với môi trường và đáp ứng được các tiêu chí. Bởi vì EU đặt tiêu chuẩn khá cao thì chúng tôi tin rằng nếu như chúng ta tập trung phát triển được những công nghệ này thì chúng ta sẽ tận dụng được tốt.
Điểm thứ hai nữa là cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực về thiết kế, tại vì đối với EU, hiện nay chúng ta vẫn chủ yếu gia công chưa có được hàm lượng giá trị gia tăng tốt và cũng chưa chủ động được trong vấn đề đổi mới sáng tạo để tạo ra được giá trị gia tăng cao hơn và có thể từ đó chúng ta sẽ hấp thụ được những công nghệ mới từ phía EU nhập khẩu vào Việt Nam thì chúng tôi rất cần chính sách để thu hút.
Thứ hai nữa đối với doanh nghiệp thì như chúng ta đã biết các doanh nghiệp mà đã xuất khẩu thành công vào thị trường EU thì không gặp gì nhiều trở ngại. Nhưng nếu chúng ta muốn mở rộng dư địa này cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì chúng ta cần phải trang bị những kiến thức, nâng cao năng lực của họ để đáp ứng được các yêu cầu của thị trường EU.
Chúng tôi cũng rất cần những chính sách tiếp tục như là cung cấp, hỗ trợ thông tin, đặc biệt là đào tạo để hỗ trợ cho doanh nghiệp nâng cao được nội lực, tiếp cận được những thị trường đó, đáp ứng được các tiêu chuẩn, đặc biệt là thị trường EU khá khó tính khi mà luôn nâng các tiêu chuẩn hằng năm khá cao.
Vậy thì chúng tôi cũng mong muốn là cùng phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước như là Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan để chúng ta có các hoạt động đào tạo, đối thoại, vừa đánh giá và vừa tạo ra được những giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp của chúng ta nâng cao được thị phần tại thị trường EU.