Tái bùng phát ổ bệnh bạch hầu mới, huy động hàng trăm người khoanh vùng, truy vết
Chế độ dinh dưỡng giúp ''miễn dịch'' bệnh bạch hầu Bệnh bạch hầu: Cảnh báo mức độ nguy hiểm và dấu hiệu nhận biết Thông tin thêm về số ca mắc bạch hầu và các khuyến cáo |
Liên quan tới ổ dịch bạch hầu tại khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa được phát hiện vừa qua đang khiến nhiều người hoang mang về sự lây lan và mức độ nguy hiểm của loại dịch này.
Theo CDC Thanh Hóa, từ ngày 5/8 đã phát hiện 3 ca bệnh bao gồm một thai phụ, một em bé 10 tuổi và cụ bà 74 tuổi, là người thân của thai phụ, tính đến thời điểm hiện nay chưa phát hiện thêm ca mới. Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, các biện pháp phòng, chống về bệnh bạch hầu.
Được biết, có 34 trường hợp F1 của 3 bệnh nhân đã được cách ly, theo dõi, tại nhà. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có văn bản đề nghị Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa và Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương tăng cường phòng chống bệnh bạch hầu, sau khi tỉnh này công bố dịch bạch hầu tại thị trấn Mường Lát.
Để ứng phó với dịch bạch hầu, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch; tổ chức khai báo, báo cáo dịch; cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh; cách ly y tế; vệ sinh tiệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch; các biện pháp bảo vệ cá nhân và chống dịch khác; huy động, trưng dụng nguồn lực cho hoạt động phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, gần 800 người dân tại khu phố Đoàn Kết đã được cho uống thuốc kháng sinh dự phòng, và hơn 200 người tham gia công tác phòng, chống dịch đã được cấp khẩu trang để bảo vệ.
Tiến hành lấy mẫu xét nghiệm những F1. Ảnh: CDC Thanh Hoá |
Trước tình hình trên, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có văn bản đề nghị Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa và Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương tăng cường phòng chống bệnh bạch hầu, sau khi tỉnh này công bố dịch bạch hầu tại thị trấn Mường Lát.
Cục Y tế dự phòng cho biết theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tỉnh Thanh Hóa (huyện Mường Lát) đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh bạch hầu và nhiều trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh.
Để chủ động tăng cường phòng chống bạch hầu, không để bệnh lây lan kéo dài trên diện rộng, Cục Y tế dự phòng đề nghị các đơn vị phối hợp tăng cường rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh bạch hầu.
Trước đó, tình hình bệnh dịch bạch hầu cũng đã xảy ra tại tỉnh Nghệ An, Bắc Giang và đã ghi nhận ca tử vong, nhằm tăng cường phát hiện sớm ca bệnh, cách ly, điều trị đúng, kịp thời và giảm tối đa số ca bệnh tử vong, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi Sở Y tế Nghệ An và Sở Y tế Bắc Giang về việc tăng cường công tác chẩn đoán, điều trị sớm.
Thực tế, từ tháng 8/2023, bệnh bạch hầu đã diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Bắc, với 20 ca nhiễm, 3 ca tử vong (tính đến cuối năm ngoái). Năm 2020, dịch bạch hầu bùng phát tại các tỉnh Đăk Lăk, Kon Tum, Bình Phước… với 5 ca tử vong, 200 ca mắc. Những năm gần đây, một số tỉnh, thành ở Việt Nam xuất hiện rải rác các ca bạch hầu, đặc biệt người chưa được tiêm nhắc hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng.
Trạm Y tế phát thuốc cho người dân Ảnh: CDC Thanh Hoá |
Để phòng chống dịch bạch hầu được hiệu quả, trước đó, TS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Phụ trách, Quản lý và Điều hành Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng đã đưa ra một số lưu ý: Các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ, nghĩ tới bạch hầu cần hội chẩn với tuyến trên để ưu tiên sử dụng sớm huyết thanh kháng độc tố bạch và lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu đồng thời triển khai thực hiện ngay việc lấy mẫu làm xét nghiệm nhuộm soi tìm vi khuẩn sớm để định hướng điều trị.
Các Sở Y tế trên cần chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc, thiết bị y tế, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị bệnh. Tuân thủ các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa dựa trên đường lây truyền cho nhân viên y tế trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh như sử dụng khẩu trang, vệ sinh tay, vệ sinh môi trường bề mặt...
Biến chứng nguy hiểm của bệnh bạch hầu: Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: sau thời gian ủ bệnh 2-5 ngày, khởi đầu bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu sẽ xuất hiện các triệu chứng giống như viêm họng như đau họng, ho, một số bệnh nhân nuốt khó, nuốt đau, sốt. Đa số bệnh nhân sau đó dần hồi phục. Một số bệnh nhân có tiến triển bệnh bạch hầu nặng và ác tính. Vì vậy, khi xuất hiện các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, tốt nhất người dân nên đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.Biến chứng nghiêm trọng của bệnh bạch hầu đó là giả mạc phát triển nhanh, lan tỏa xuống đường hô hấp gây ra tình trạng bít tắc đường hô hấp. Hoặc những mảnh giả mạc của bạch hầu có thể rụng, khiến người bệnh hít phải gây sặc, tắc đường thở. Nguy cơ biến chứng nguy hiểm hơn đó là viêm cơ tim, bởi độc tố bạch hầu gây tác dụng mạnh đối với cơ tim. Những bệnh nhân bệnh bạch hầu thể ác tính có thể dẫn đến viêm cơ tim, suy tim cấp... Nặng hơn nữa có thể dẫn đến sốc, suy đa tạng, tử vong. Ngoài ra có thể gặp biến chứng trên thận, gan, tuyến thượng thận… |