Bệnh bạch hầu: Cảnh báo mức độ nguy hiểm và dấu hiệu nhận biết
Bệnh bạch hầu là gì, phòng tránh ra sao? Chế độ dinh dưỡng giúp ''miễn dịch'' bệnh bạch hầu |
Hiện nay Nghệ An đã ghi nhận ca bệnh bạch hầu tử vong. Một ca tiếp xúc gần ca bệnh này đã được xác định dương tính với bạch hầu, là cô gái 18 tuổi ở Bắc Giang và 119 người tiếp xúc được cách ly theo dõi.
Bệnh bạch hầu nguy hiểm như thế nào?
Tình trạng nhầm lẫn giữa bạch hầu và viêm họng là nguyên nhân khiến căn bệnh này phát tán nhanh hơn trong cộng đồng, điều trị không đúng cách và khiến bệnh trở nặng hơn.
Bệnh bạch hầu rất dễ lây lan và tốc độ lây lan khá nhanh thông qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc gián tiếp với đồ chơi, vật dụng có chất dịch bài tiết của người mắc bệnh.
Ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra có thể dẫn đến các tổn thương nghiêm trọng cho thận, hệ thần kinh trung ương và tim nếu không được điều trị.
Trong tổng số ca mắc bệnh bạch hầu, tử vong vào khoảng 5 đến 10%, có thể tăng cao đến 20% ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi.
Tất cả các biến chứng của bệnh bạch hầu kể cả tử vong đều là hậu quả của độc tố. Biến chứng thường gặp nhất trong bệnh bạch hầu là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh, liệt cơ chi cơ hoành. Khi viêm cơ tim xuất hiện sớm trong những ngày đầu của bệnh, tỷ lệ tử vong thường rất cao.
Cách phân biệt bệnh bạch hầu và viêm họng
Các triệu chứng lâm sàng ban đầu của bệnh bạch hầu có nhiều điểm tương tự như triệu chứng của viêm họng, viêm amidan. Để có thể phân biệt nhằm có hướng phòng tránh kịp thời thì cần chú ý đến các tập triệu chứng bệnh lý riêng biệt như sau:
Dấu hiệu sốt nhẹ: Đối với người bị viêm họng thì thường nhanh chóng chuyển sang giai đoạn sốt cao. Phổ biến nhất là sốt cao về đêm.
Khó chịu ở khu vực cổ họng: Viêm họng khiến người bệnh khô môi và lưỡi, khoang miệng có mùi khó chịu, mất giọng, rát họng và có cảm giác đau rát khi nuốt thức ăn rắn. Ngoài ra, thường chỉ bệnh nhân viêm họng mới có triệu chứng đi kèm như tắc mũi hoặc chảy nước mũi.
Sưng hạch bạch huyết: Bệnh nhân bị viêm họng hoặc amidan lại sưng thành các hạch quanh cổ, dưới tai hoặc ở góc hàm.
Bệnh bạch hầu là căn bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc. Ảnh: VNVC |
Một trong những triệu chứng riêng, dễ nhận biết của bệnh bạch hầu là phần giả mạc xuất hiện tại họng rất dày, bám chắc, gần như không tách ra khỏi niêm mạc họng được. Nếu bệnh nhân cố tách thì sẽ gây ra chảy máu.
Trong khi đó, bệnh nhân viêm họng hay amidan thông thường nếu có xuất hiện giả mạc thì cũng lấy ra rất dễ dàng. Giả mạc này cũng không dày hay sẫm màu như bạch hầu. Tỉ lệ tử vong ở bệnh bạch hầu không được điều trị kịp thời là tương đối cao.
Cách phòng tránh bệnh bạch hầu
Tiêm vắc - xin phòng bệnh chính là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm (trong đó có bệnh bạch hầu) gây ra cho nhân loại.
Khoảng 85% - 95% người được tiêm chủng sẽ được sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh. Những đối tượng được tiêm vắc - xin phòng bệnh sẽ không bị mắc bệnh và đương nhiên sẽ không bị tử vong do di chứng của bệnh dịch gây ra. Tại Việt Nam hiện nay không có vắc - xin đơn phòng bệnh bạch hầu, chỉ có những vắc - xin phối hợp trong đó có thành phần kháng nguyên bạch hầu.
Ngoài ra thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc - xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.