Những cựu chiến binh gương mẫu, hết lòng vì cộng đồng
Sơn Động - một huyện miền núi nghèo thuộc tỉnh Bắc Giang - là nơi khá đặc biệt khi có đến gần 1.800 hộ dân thuộc diện là hộ gia đình người có công với cách mạng. Cùng với phong trào phát triển kinh tế xã hội, cộng đồng người có công ở Sơn Động đã chung tay xây dựng nông thôn mới. Điều đặc biệt, họ không chỉ tự thân vươn lên thoát nghèo mà còn trở thành những tấm gương tiêu biểu, góp phần tích cực vào sự phồn thịnh của cộng đồng.
Người có công hết lòng vì cộng đồng
Ở xã An Lạc (huyện Sơn Động), không ai không biết ông Ma Hữu Khang, người dân tộc Tày. Dù đã qua tuổi “thất thập cổ lai hi” (với 55 tuổi Đảng) nhưng tinh thần tận tụy với công việc cộng đồng của ông vẫn tràn đầy. Ông Khang cùng gia đình sống trong ngôi nhà gỗ trên ngọn đồi thoai thoải tại thôn Đồng Bài. Ngôi nhà luôn thu hút mọi người dân qua đường bởi sân vườn ngăn nắp và sự thanh bình. Mỗi chi tiết của ngôi nhà đều được chăm sóc tỉ mỉ, phản ánh tâm huyết và tình yêu thương của gia chủ.
Ông Ma Hữu Khang (giữa) tiên phong hiến đất mở đường và vận động nhân dân hiến đất làm đường bê tông. |
Khi gặp chúng tôi, ông Khang tỏ ra hồ hởi và nhiệt huyết. Ông cho biết, từ ngày nghỉ công tác ở xã An Lạc, ông về tham gia hoạt động cùng chi bộ thôn. Nhưng những công tác tuyên truyền vận động nhân dân trong xã anh em vẫn đến nhờ ông hỗ trợ. “Từ năm 2012 tôi được bà con bầu chọn là người uy tín trong cộng đồng. Được Đảng tin, dân mến thì dù có tuổi cao tôi cũng nguyện dốc sức lực của mình để giúp cho đời sống bà con ngày càng được nâng cao”, ông Khang chia sẻ.
Không chỉ tham gia tích cực vào công việc cộng đồng sau khi nghỉ hưu, ông Khang còn là nguồn động viên và tấm gương sáng trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân. Được biết cách đây nhiều năm khi nhà nước có chủ trương giao rừng cho dân bảo vệ ông Khang là người tiên phong nhận đất giữ rừng. Khi đó quyền lợi bảo vệ rừng không được là bao nhưng ông đã vận động được nhiều hộ dân trong xã tham gia để những cánh rừng mãi xanh tốt cho đến ngày nay.
Khi phong trào phát triển kinh tế rừng phát triển, ông Khang lại là người tiên phong bỏ công sức tiền của để trồng rừng kinh tế. Cùng với đó ông tận tình hướng dẫn bà con về kỹ thuật chăm sóc cây, cách chọn giống cây keo, cây bạch đàn sao cho phù hợp với vùng núi nơi đây. Chỉ vài năm sau hiệu quả kinh tế phát triển rừng đã giúp gia đình ông và nhiều gia đình trong xã vươn lên thành những hộ có kinh tế khá giả.
Những năm gần đây cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, một lần nữa ông lại là người tiên phong hiến đất mở đường, làm đường bê tông cho bà con đi lại. Bản thân gia đình ông đã hiến hàng nghìn mét vuông đất để làm đường. Ông cùng với các cấp chính quyền thôn, xã đi vận động nhân dân tạo nên phong trào hiến đất làm đường rộng khắp trong toàn xã. Đến nay hàng chục nghìn mét vuông đất của các hộ gia đình trong xã đã được hiến để mở đường liên thôn, liên xã.
Cùng giúp nhau làm kinh tế
Rời xã An Lạc, chúng tôi hướng về xã Tuấn Đạo (huyện Sơn Động), nơi chúng tôi sẽ thăm mô hình Hợp tác xã ong mật hữu cơ do thương binh Nguyễn Đức Minh sáng lập. Với tinh thần "nghỉ hưu không nghỉ việc" ông Minh quyết định quay về quê hương Tuấn Đạo sau hơn 30 năm cống hiến trong quân ngũ để khởi nghiệp. Quyết định của ông Minh không chỉ là một sự thay đổi cá nhân mà còn là một lối sống tích cực, đầy tình yêu thương và cam kết với sự phát triển của cộng đồng nơi ông sinh sống.
Trao đổi với chúng tôi, ông Minh say mê chia sẻ về kinh nghiệm nhân giống cũng như cách chăm sóc đàn ong bản địa. Ông bảo, ong tự nhiên thì phải được sinh trưởng trong môi trường tự nhiên và cũng chính vì vậy mật ong rừng hữu cơ Sơn Động mới được giá cao trên thị trường, được nhà nước công nhận là sản phẩm Ocop 3 sao.
Ông Nguyễn Đức Minh bên gian trưng bày sản phẩm của hợp tác xã. |
Hợp tác xã do ông Minh sáng lập đến nay đã thu hút được hơn 50 hộ gia đình tham gia làm thành viên, kỹ thuật nhân đàn, kỹ thuật dưỡng ong trong mùa cây rừng chưa ra hoa đều được các thành viên nắm bắt thành thục. Nuôi ong tự nhiên không thể giúp các hộ gia đình xã viên trở nên giàu có nhưng lại là nguồn thu nhập ổn định, thường xuyên của các hộ gia đình nơi đây.
Cùng với việc phát triển đàn ong, ông Minh với vai trò là giám đốc hợp tác xã còn mạnh dạn đầu tư trang bị máy móc và nhân lực mở nhà xưởng sản xuất nước uống tinh khiết và sản xuất hương. Hai xưởng sản xuất của hợp tác xã đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 20 lao động.
Về hưu với quân hàm đại tá, 50 năm tuổi Đảng, giờ đây ông Minh cũng đã bước sang tuổi thất thập; nhưng với ý chí gang thép của Anh bộ đội Cụ Hồ ông Minh từ bỏ cuộc sống nơi phố thị để về quê giúp bà con phát triển kinh tế, góp phần thay da đổi thịt vùng đất núi rừng vốn nghèo khó quê ông.
Theo báo cáo của UBND huyện Sơn Động, trong hơn 1.800 hộ gia đình người có công với cách mạng thì có đến có 172 người là thương bệnh binh, 121 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học, 171 thân nhân liệt sĩ … Toàn huyện có 38 mẹ được nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.
Những năm qua được sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước, sự hoạt động hiệu quả của các phong trào giúp nhau làm kinh tế trong cộng đồng đến nay 100% số hộ người có công đã thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả, nhiều thương bệnh binh, người có công đã trở điển hình phát triển kinh tế trên địa bàn huyện, nhiều người được nhân dân bầu chọn là người có uy tín trong cộng đồng.
Bà Vi Thị Tú, Trưởng phòng Lao động Thương binh và xã hội huyện chia sẻ. Huyện Sơn Động xác định công tác chăm lo đời sống người có công với cách mạng là nhiệm vụ xuyên suốt, thường xuyên và lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; xác định mỗi cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền các cơ quan đơn vị phải huy động tối đa các nguồn lực toàn xã hội để thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Chính từ đó mà đến nay các hộ gia đình người có công đa phần đã có mức sống cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú. Và thật quý báu hơn nữa khi những người có công lại đang tiếp tục nỗ lực cống hiến đóng góp những thành quả quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của cộng đồng dân cư.
Những thành quả này không chỉ là niềm tự hào cho những người có công mà còn là niềm hạnh phúc và động lực để tiếp tục xây dựng một cộng đồng mạnh mẽ, phồn thịnh, nơi mà mọi người đều cùng nhau chung tay góp phần vào sự phát triển bền vững.