Mục tiêu tăng trưởng 2021: Khó nhưng vẫn còn cơ hội!
Tăng trưởng 6 tháng thấp hơn kỳ vọng
Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 6,5%. Theo đó, để đạt được mục tiêu này, GDP quý I phải tăng trưởng 5,12%; quý II 7,11%; quý III 6,71% và quý IV 6,67%. Cùng với đó, GDP 6 tháng đạt 6,22% và 9 tháng là 6,43%.
Tăng trưởng GDP 6 tháng dự báo đạt 5,8% |
Tuy vây, diễn biến tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm dự báo không đạt như kỳ vọng tại Nghị quyết 01/NQ-CP. Tăng trưởng GDP quý I/2021 chỉ đạt 4,48%, thấp hơn 0,64 điểm phần trăm so với kịch bản được đưa ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ trước đó là 5,12%, đặc biệt tăng trưởng GDP 6 tháng cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo chỉ đạt 5,8%, tức là thấp hơn so với kịch bản đưa ra là GDP 6 tháng phải đạt 6,22%.
Điều đó có nghĩa, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong cả năm 2021 là không đơn giản, áp lực tăng trưởng lên 6 tháng cuối năm là vô cùng lớn. Nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp chưa ổn định sản xuất do phải giãn cách phòng, chống Covid-19. Trong khi đó, giá cả nhiều nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất thời gian qua liên tục tăng giá, cộng đồng doanh nghiệp thì đã “kiệt sức” sau 4 lần chống chọi với dịch bệnh. Giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa thật sự tích cực khi 5 tháng đầu năm mới chỉ đạt 22%, dự báo 6 tháng đầu năm Việt Nam mới hoàn thành 30% kế hoạch năm 2021.
Giải pháp hoàn thành mục tiêu
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực mới đây đã đưa ra 3 dự báo tăng trưởng GDP năm 2021, trong đó kịch bản xấu nhất là: 5,5%; kịch bản cơ sở là 6,1%-6,3% và kịch bản tích cực là 6,5%-6,7%. Trong đó, theo ông Lực kịch bản cơ sở có nhiều khả năng xảy ra nhiều hơn, điều đó đồng nghĩa việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% là không dễ dàng.
Thừa nhận đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2021 là không hề đơn giản, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, vẫn có cơ hội đạt được nếu như Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương kiên định với “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế. Trong đó, trước mắt nên đẩy nhanh việc tiêm vắc-xin để kiểm soát dịch bệnh, nhất là không để lây lan dịch tại các khu công nghiệp, tạo cơ hội cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) – cho rằng: Một trong những giải pháp tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bởi yếu tố vốn vẫn đóng góp quan trọng đến tăng trưởng GDP những năm qua.
Điều này càng trở nên cấp thiết khi nhiều dự án đầu tư công hiện đang chậm tiến độ do giá cả nguyên, vật liệu tăng lên, ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành dự án của các nhà thầu, theo đó các bộ, ngành địa phương xem xét cân nhắc bình ổn giá nguyên, nhiên vật liệu ở mức phù hợp. Khắc phục được vấn đề này sẽ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và tạo sức lan tỏa đến các ngành, vùng kinh tế trên cả nước.
Bên cạnh đó, ông Cấn Văn Lực cho rằng cần có những giải pháp kích thích tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế số, vì nếu tiêu dùng cá nhân tăng 1% thì GDP sẽ tăng thêm 0,12 điểm phần trăm và kinh tế số tăng thêm 1% thì GDP cũng tăng thêm 0,12 điểm phần trăm.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2021, cần giữ ổn định phát triển tại 2 đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, vì 2 địa phương này đang đóng góp 39% vào tăng trưởng GDP cả nước. |