Hoài Đức, Hà Nội:
Khi nhà trường tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm kèm những tiêu chí kỳ quặc
Mới đây, trường THCS An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội phối hợp Công ty Cổ phần Du lịch Hà Nội Viettourist KGC tổ chức cho học sinh đi tham quan du lịch – gọi là “Chương trình giáo dục di sản, học tập, trải nghiệm năm học 2023-2024”.
Trường THCS An Khánh, Hoài Đức |
Theo nhà trường, đây là chương trình kết hợp giáo dục ngoại khóa giúp học sinh khám phá những giá trị di sản văn hóa, lịch sử giúp học sinh có cơ hội được trải nghiệm thực tế, nâng cao sự hiểu biết của học sinh về thế giới xung quanh; Giáo dục kỹ năng sống, giao tiếp trong tập thể, xã hội; Giáo dục phát triển toàn diện cho học sinh.
Lịch trình của tour đi tham quan di tích Hoàng Thành- Thăng Long và Khu trải nghiệm Cánh Buồm Xanh (Gia Lâm, Hà Nội) trong ngày. Đáng chú ý, mức thu trọn gói cho một học sinh 330.000 đồng. Các loại phí đều có, tuy nhiên lại không bao gồm suất ăn trưa, vậy là các em học sinh phải tự mang theo cơm.
Chuyện đã qua và không có gì đáng nói, nhưng để vận động học sinh các lớp tham gia tour đầy đủ, tại cuộc họp với giáo viên chủ nhiệm, Hiệu trưởng Trường THCS An Khánh lại lấy tiêu chí tỷ lệ học sinh đi tham quan để đưa vào nội dung đánh giá thi đua đối với giáo viên. Thậm chí, để vận động học sinh tham gia đông đủ, có thông tin cho rằng nếu học sinh không tham gia sẽ bị hạ hạnh kiểm, còn giáo viên sẽ bị đổi lớp chủ nhiệm.
Thầy cô đã áp lực từ dạy học, các em học sinh áp lực học tập ngày đêm, phụ huynh lo lắng đủ đường cho con em được đến trường thì nay lại cộng thêm những cái lo lắng không đáng có từ tour du lịch.
Sau khi nhận thông báo, nhiều phụ huynh bức xúc cho rằng điều bất hợp lý nhất khiến các con không hào hứng tham gia, đó là điểm đến trải nghiệm nhiều con đã từng đi từ những năm học trước khi ở cấp tiểu học... Chuyến đi không có hoạt động đặc biệt, lặp đi lặp lại, khiến nhiều học sinh thấy khiên cưỡng.
Có phụ huynh thì cho rằng, nói là tự nguyện nhưng gần như ép buộc, mà phí đi thì không hề rẻ, trong khi số lượng đi thì quá đông với gần 2000 em học sinh tham gia cùng đến một địa điểm. Nếu học sinh không đi thị bị hạ hạnh kiểm, điều này buộc phụ huynh phải cho con em tham gia.
Chính giáo viên trong trường cũng bức xúc với quy định của hiệu trưởng, một giáo viên chia sẻ với báo chí rằng: “Nói là tham gia trên tinh thần tự nguyện nhưng Hiệu trưởng nhà trường lại yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phải tìm mọi cách để thuyết phục (tới mức ép buộc) học sinh trong lớp tham gia đầy đủ. Thậm chí, lấy tiêu chí đó để đưa vào nội dung đánh giá thi đua đối với giáo viên. Nếu giáo viên chỉ vận động được số ít học sinh trong lớp tham gia có thể bị xem xét đánh giá kết quả thi đua cuối năm. Khi bị đánh giá xếp loại chưa đạt hoặc đạt ở mức trung bình, không chỉ xoá bỏ toàn bộ nỗ lực, phấn đấu trong giảng dạy của một năm học và danh dự nhà giáo bị tổn thương. Vì lẽ đó, những thầy cô làm giáo viên chủ nhiệm như chúng tôi cảm thấy áp lực, nặng nề khi phải tìm mọi cách để thuyết phục học sinh tham gia “cho đạt chỉ tiêu về số lượng” mà nhà trường đưa ra”.
Nhiều phụ huynh bức xúc cho rằng, nhà trường có thực sự vì giáo dục di sản, học tập, trải nghiệm cho các em học sinh hay nhằm mục đích khác? Vụ việc đã để lại dư luận không tốt ở địa phương.