"Gỡ khó" từ chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong các trường đại học
Việt Nam và Hoa Kỳ thúc đẩy hợp tác đổi mới sáng tạo, xúc tiến đầu tư Hà Nội ghi dấu ấn thành phố đổi mới sáng tạo |
Thiếu vắng sự gắn kết, liên kết, kết nối giữa 3 nhà
Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Quốc gia 2024 với chủ đề “Xây dựng nền tảng phát triển đại học định hướng đổi mới sáng tạo” diễn ra sáng 16/5, do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5).
Chia sẻ tại diễn đàn, TS.Tạ Đình Thi – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã đề ra quan điểm: “Phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc".
TS.Tạ Đình Thi – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu |
Theo đó, phát triển khoa học công nghệ là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp.
Mới đây, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu yêu cầu “Có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo".
Kết luận số 69-KL/TW ngày 11/01/2024 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW đã nêu nhiệm vụ trọng tâm là: Phát triển các trung tâm và mạng lưới đổi mới sáng tạo, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, hình thành các cụm liên kết đổi mới sáng tạo với khu công nghệ cao, trung tâm tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm, trường đại học, viện nghiên cứu.
Khuyến khích doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn công nghiệp hàng đầu thành lập trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
"Những căn cứ chính trị nêu trên là nền tảng quan trọng để xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo" - TS.Tạ Đình Thi – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nói.
Nhấn mạnh về vai trò của các trường đại học trong đổi mới sáng tạo hiện nay, TS.Tạ Đình Thi cho hay, trong hệ thống đổi mới sáng tạo của quốc gia, các trường đại học đóng vai trò trụ cột, tiên phong đi đầu thông qua các sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy bộ khoa học - kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển giao tri thức, ứng dụng công nghệ mới, tăng cường khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo...
Thời gian vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đã rất nỗ lực, cố gắng trong việc thể chế hóa chủ trương của Đảng thành các chính sách, pháp luật cụ thể nhằm xây dựng hành lang pháp lý thúc đẩy các hoạt động khoa học, công nghệ và và đổi mới sáng tạo trong các trường đại học, viện nghiên cứu,...
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều đề án để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia như Đề án 844 “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, Chương trình 897 "Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022-2030”...
Tuy vậy, chúng ta có thể nhận thấy, việc hình thành, quản lý, vận hành có hiệu quả các tổ chức đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp khoa học công nghệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do cơ sở pháp lý chưa được hoàn thiện.
Các đại biểu tham dự diễn đàn |
TS.Tạ Đình Thi chỉ ra, cụ thể như chưa có quy định về hỗ trợ cho các tổ chức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khuyến khích cá nhân đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng tổ chức ươm tạo, huấn luyện, tư vấn khởi nghiệp, đặc biệt là việc chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ.
Bên cạnh đó, còn thiếu vắng sự gắn kết, liên kết, kết nối giữa 3 nhà (Nhà nước, trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp), không chỉ có mạng lưới sinh viên mà cả mạng lưới các nhà khoa học hay mạng lưới các cựu sinh viên, không chỉ trong một ngành, một trường, mà phải có tính liên ngành, liên trường, liên viện,...
Theo đó, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và Công nghệ tới đây cần được xem xét tổng thể những vấn đề nêu trên, đồng thời phải đón bắt được những xu hướng đổi mới giáo dục đại học của thế giới, trong đó có đại học định hướng nghiên cứu, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, đại học khởi nghiệp, chú trọng tinh thần, năng lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp người học, xây dựng một thế hệ doanh nhân, doanh nghiệp mới làm chủ và tự cường.
"Gỡ khó" từ chính sách
Chia sẻ tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào thành công chung của ngành giáo dục; giúp nâng cao chất lượng, vị thế và uy tín của giáo dục Việt Nam không chỉ ở tầm khu vực mà cả bình diện quốc tế.
Tuy nhiên, để hình thành và phát triển các đại học định hướng nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, để giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, dẫn dắt sự phát triển quốc gia như kỳ vọng của Đảng và Nhân dân thì vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập cần tiếp tục được sửa đổi, hoàn thiện thêm.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu tại diễn đàn |
Theo đó, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhấn mạnh một số giải pháp. Một là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chiến lược về giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực quốc gia phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục đại học thuộc lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ; xây dựng và triển khai chương trình đào tạo chuyên gia, nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.
Hình thành các chương trình đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, nhân lực có kỹ năng, chuyên môn cao. Triển khai đào tạo về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các trường phổ thông. Khuyến khích phát triển các nền tảng dạy và học trực tuyến mở, các mô hình đại học mới thích ứng với quá trình chuyển đổi số.
Hai là, tăng cường nguồn lực đầu tư cho các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật tạo thuận lợi cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp; thúc đẩy hợp tác liên kết giữa các cơ sở giáo dục đại học, giữa cơ sở đại học với các viện nghiên cứu, giữa cơ sở giáo dục đại học và các tập đoàn/doanh nghiệp; hình thành những trung tâm nghiên cứu mạnh; chú trọng các hoạt động chuyển giao, thương mại hoá, đào tạo và nghiên cứu theo đặt hàng.
Ba là, kiến tạo môi trường thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong trường đại học gồm cả văn hóa, nhận thức (chiến lược, chính sách, cơ chế, KPI,...) lẫn cơ sở vật chất (coworking - space, fab-lab, innovation center, SOHO,...); đầu tư xây dựng chương trình đào tạo bài bản, có chiều sâu dành cho sinh viên, giảng viên về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp;
Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp vào các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong trường đại học; thúc đẩy việc hình thành các tổ chức trung gian chuyên nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học như: TTO, TLO, doanh nghiệp thuộc trường đại học, vườn ươm, tăng tốc doanh nghiệp khoa học công nghệ...
Bốn là, các trường đại học cần phải thể hiện vai trò tiên phong thực hiện sứ mệnh đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, nhằm cung cấp cho xã hội những hạt nhân được trang bị tư duy và kỹ năng cần thiết, cùng các sản phẩm nghiên cứu mang tính ứng dụng cao để giải quyết các bài toán thực tiễn, mang lại giá trị cho xã hội.
Mỗi trường phải xây dựng chiến lược phát triển mang đặc thù, thế mạnh riêng của đơn vị, gắn mô hình tự chủ, quản trị đại học mới với các hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan quản lý và doanh nghiệp.