Doanh thu sụt giảm, Hà Nội muốn dừng 6 tuyến xe buýt trợ giá
Cụ thể, 6 tuyến xe buýt Hà Nội đề xuất dừng hoạt động là: 10, 14, 18, 44, 45, 145. Theo tính toán của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, nếu thành phố chấp thuận dừng 6 tuyến buýt này thì mỗi năm sẽ giảm được khoảng 212,23 tỷ đồng.
Hiện thành phố có 154 tuyến xe buýt đang khai thác, trong đó có 132 tuyến trợ giá, 8 tuyến không phải trợ giá xe buýt; 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến city tour. Số xe buýt được trợ giá là 2.034 xe với 277 xe sử dụng năng lượng sạch.
Được biết, mức trợ giá của vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của thành phố trung bình giai đoạn 2020-2022 cao hơn so với giai đoạn 2015-2019 là 857,43 tỷ đồng. Năm 2022 cao nhất với mức trợ giá lên tới gần 3.000 tỷ đồng, cao hơn trung bình giai đoạn 2020-2022 hơn 670 tỷ đồng.
Ngân sách thành phố Hà Nội hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp; hỗ trợ 30% giá vé tháng đối với cán bộ, nhân viên tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể; miễn tiền vé với người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo.
Hiện hành khách sử dụng vé tháng chiếm trên 80% tổng lượng khách đi xe buýt ở Hà Nội, số lượng thẻ vé miễn phí tăng dần theo từng năm.
Trong khi đó, giai đoạn 2020-2022, doanh thu vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sụt giảm, một phần do chịu tác động bởi đại dịch COVID-19, phần khác do một số chính sách ưu đãi, miễn phí cho người dân được áp dụng theo Nghị quyết 07/2019 của HĐND thành phố.
Bên cạnh đó, do thi công một số công trình giao thông trọng điểm nên phải điều chỉnh lộ trình làm giảm sản lượng hành khách, tăng số km hành trình, tăng chi phí, giảm doanh thu kéo theo trợ giá tăng...
Qua rà soát, Sở Giao thông vận tải Hà Nội tạm thời xác định có 71/132 tuyến buýt cần xem xét điều chỉnh luồng tuyến, lịch trình. Đồng thời có 6 tuyến buýt phải dừng hoạt động do doanh thu thấp, ngân sách thành phố phải trợ giá cao.
Để không ảnh hưởng nhiều tới việc đi lại của hành khách, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, từ nay đến tháng 4/2024 sẽ điều chỉnh các tuyến buýt có lộ trình gần tương tự với tuyến dừng hoạt động. Ngoài ra cũng thực hiện điều chỉnh lộ trình một số tuyến buýt khác để không ảnh hưởng tới việc đi lại của hành khách.
Hà Nội đề xuất dừng 6 tuyến xe buýt trợ giá do doanh thu thấp. |
Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng kiến nghị UBND thành phố Hà Nội cho phép thí điểm đặt hàng sử dụng xe buýt điện trong thời hạn 1 năm đối với 9 tuyến buýt hết hạn thầu năm 2024.
Theo đó, trong quý 1/2024, có 9 tuyến xe buýt Hà Nội sẽ hết hạn thầu vào ngày 31/3, gồm: tuyến buýt số 05 lộ trình Khu đô thị Linh Đàm - Phú Diễn; tuyến 15 bến xe Gia Lâm - Phố Nỉ; tuyến 17 Long Biên - Nội Bài; tuyến 36 Yên Phụ - Khu đô thị Linh Đàm; tuyến 39 Công viên Nghĩa Đô - Tứ Hiệp; tuyến 43 Công viên Thống Nhất - Thị trấn Đông Anh; tuyến 54 Long Biên - Bắc Ninh, tuyến 47A Đại học Kinh tế quốc dân - Kiêu Kỵ (Gia Lâm); tuyến 59 Thị trấn Đông Anh - Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Dự kiến đến năm 2025, Hà Nội có khoảng 68 tuyến buýt sẽ hết hạn thầu và phải đổi chuyển sang buýt điện.