Trước thềm tăng giá vé: Transerco hưởng trăm tỷ từ trợ giá nhưng lợi nhuận vẫn "bèo bọt"?
Hà Nội tăng giá vé xe buýt: Cao nhất lên 20 nghìn đồng nhưng chất lượng phải tăng theo Hà Nội nghiên cứu mở 10 tuyến xe buýt điện Hà Nội đề xuất tăng vé xe buýt thêm 1.000-11.000 đồng từ 1/1/2024 |
Thu trợ giá trăm tỷ, lợi nhuận vẫn “èo uột”
Tổng công ty Vận tải Hà Nội - Transerco là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc UBND Thành phố Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 72/2004/QĐ-UB ngày 14/5/2004.
Hiện nay, Transerco là đơn vị chủ lực trong các lĩnh vực: Dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt (thương hiệu Hanoibus), quản lý bến bãi và dịch vụ điểm đỗ xe công cộng tại Thủ đô Hà Nội.
Transerco có 5 công ty con, 6 công ty liên kết và nhiều đơn vị trực thuộc. Trong đó hoạt động kinh doanh chính của các doanh nghiệp này chủ yếu là liên quan đến lĩnh vực vận tải và bất động sản. Tổng mức vốn đầu tư tới cuối năm 2022 vào các công ty con là 223,553 tỷ đồng, vào công ty liên doanh, liên kết là 290,712 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính tổng hợp năm 2022 cho thấy, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ là 2.774 tỷ đồng, tăng 826 tỷ đồng so với năm 2021 (tăng 42%). Tuy nhiên, giá vốn hàng bán lên tới 2.579 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Transerco chỉ đạt 195 tỷ đồng, tăng 76,777 tỷ đồng (tăng 65%).
Sau khi cộng với doanh thu hoạt động tài chính, trừ đi các khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp dẫn tới lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Transerco năm 2022 đạt 10,742 tỷ đồng, trong khi đó năm 2021 là âm 6,394 tỷ đồng.
Nhờ các khoản thu nhập khác giúp Transerco có lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 đạt hơn 20 tỷ đồng, trong khi đó năm 2021 chỉ đạt hơn 3 tỷ đồng (tăng 17 tỷ đồng, tương đương tăng 566%), năm 2020 lợi nhuận sau thuế cũng chỉ là 1,383 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tới cuối năm 2022 ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn khác của Transerco là 647,259 tỷ đồng, nhưng riêng khoản phải thu ngân sách nhà nước tiền trợ giá xe buýt đã lên tới 623,767 tỷ đồng (chiếm 96%).
Trong khi đó thời điểm cuối năm 2021, khoản phải thu ngân sách nhà nước tiền trợ giá xe buýt của Transerco cũng lên tới 249,130 tỷ đồng, năm 2020 là 349,629 tỷ đồng, năm 2019 là 164,519 tỷ đồng.
Có thể thấy, thu từ ngân sách nhà nước tiền trợ giá xe buýt là khoản góp phần quan trọng đến kết quả hoạt động kinh doanh vận tải xe buýt của Transerco trong nhiều năm qua.
Xét về đầu tư liên doanh, liên kết, nhiều năm qua Transerco liên kết với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh liên quan đến lĩnh vực bất động sản như: Công ty Liên doanh Sakura Hà Nội Plaza (kinh doanh khách sạn), Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản Hồ Tây (kinh doanh tổ hợp khách sạn, văn phòng và trung tâm thương mại), Công ty trách nhiệm hữu hạn phát triển Giảng Võ (kinh doanh nhà – căn hộ bán, cho thuê), Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Xuân Thủy (kinh doanh bất động sản, quyền sở hữu đất thuộc sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê).
Tuy nhiên, ghi nhận báo cáo tài chính tổng hợp cho thấy, cổ tức tại một số doanh nghiệp không gia tăng, năm 2022 cổ tức nhận được từ Công ty Phát triển Giảng Võ là 3,5 tỷ đồng (bằng so với năm 2021), cổ tức nhận được từ Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hồ Tây 25 tỷ đồng, trong khi đó năm 2021 là 52 tỷ đồng (giảm 27 tỷ đồng, tương đương 52%).
Trước thềm tăng giá vé xe buýt: Transerco thu từ trợ giá xe buýt 623 tỷ đồng |
Được trợ giá "khủng" vẫn vay ngân hàng
Báo cáo tài chính tổng hợp của Transerco cũng cho thấy, tới cuối năm 2022 ghi nhận nhiều khoản vay dài hạn tại các ngân hàng lên tới 349,706 tỷ đồng.
Trong đó, Transerco vay Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Hà Nội 228,837 tỷ đồng theo các hợp đồng phát sinh từ năm 2016 đến năm 2020 để đầu tư mua sắm phương tiện với lãi suất thả nổi được điều chỉnh định kỳ 03 tháng, thời hạn vay từ 83 tháng đến 96 tháng.
Doanh nghiệp vận tải này cũng Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam – Chi nhánh Lý Thường Kiệt 29 tỷ đồng theo các hợp đồng phát sinh từ năm 2016 đến năm 2019 để đầu tư mua phương tiện vận tải hành khách công cộng với lãi suất thả nổi định kỳ 03 tháng, thời hạn vay từ 72 tháng đến 84 tháng.
Ngoài ra, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Đống Đa cũng là chủ nợ của Transeco khi doanh nghiệp này có khoản nợ lên tới 91,785 tỷ đồng theo các hợp đồng phát sinh từ năm 2019 và năm 2020 để đầu tư mua sắm xe buýt với lãi suất thả nổi được điều chỉnh 3 tháng/lần, thời hạn vay từ 84 tháng đến 96 tháng.
Liên quan tới hoạt động kinh doanh xe buýt chủ lực của Transerco, mới đây dư luận chú ý trước thông tin Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chấp thuận cho tăng giá vé xe buýt từ ngày 1/1/2024.
Cụ thể, với vé lượt cự ly dưới 15km tăng từ 7.000 lên 8.000 đồng; từ 15km đến dưới 25km tăng từ 7.000 lên 10.000 đồng; từ 25km đến dưới 30km tăng từ 8.000 lên 12.000 đồng; từ 30km đến dưới 40km tăng từ 9.000 lên 15.000 đồng; và từ 40km trở lên tăng từ 9.000 lên 20.000 đồng.
Với vé tháng, mức tăng trung bình lên tới 40%. Học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp đi một tuyến là 70.000 đồng (hiện là 55.000 đồng), liên tuyến 140.000 đồng (hiện là 100.000 đồng). Vé mua theo hình thức tập thể (không ưu tiên) đi một tuyến 100.000 đồng (hiện là 70.000 đồng), liên tuyến 200.000 đồng (hiện là 140.000 đồng).
Người có công, người cao tuổi (60 tuổi trở lên), trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo tiếp tục được miễn tiền vé xe buýt.
Các đối tượng khác vé một tuyến là 140.000 đồng (hiện 100.000 đồng), vé liên tuyến 280.000 đồng (hiện 200.000 đồng).
Nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội tăng giá vé xe buýt nhưng cũng đồng thời phải nâng cao chất lượng dịch vụ. Đặc biệt là phải công khai doanh thu tăng giá, xem xét giảm trợ giá xe buýt hiện nay.
Về trợ giá,“nhìn chung doanh nghiệp lỗ đương nhiên là được trợ giá, tuy nhiên với doanh nghiệp lãi mà không đủ trả lương nhân công, chi phí thì vẫn có thể được trợ giá. Trợ giá nhiều hay ít tùy thuộc vào các tuyến, nhưng đôi khi kể cả những tuyến kinh doanh được nhưng vẫn xin được trợ giá nếu khai báo không rõ ràng, không trung thực, ví dụ lãi nhưng báo lỗ. Vì vậy khi thanh quyết toán, phải yêu cầu thống kê, sổ sách, chứng từ rõ ràng, chính xác, trung thực để tính mức trợ giá cho chính xác.”, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho biết.
Theo Quyết định 34/2022/QĐ-UBND, ngày 10/10/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, tuyến xe buýt có trợ giá bao gồm tuyến nội tỉnh và liên tỉnh được thành phố Hà Nội hỗ trợ một phần chi phí vận hành. Căn cứ số lượng các tuyến buýt có trợ giá đang hoạt động và dự kiến mở mới hàng năm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (nếu có), trên cơ sở đề xuất của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm rà soát, đề xuất nhu cầu kinh phí chi trợ giá, gửi Sở Tài chính tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố bố trí kinh phí thực hiện theo quy định. |