Cơ hội để sầu riêng Việt vững chân tại thị trường Trung Quốc
Sầu riêng còn nhiều dư địa xuất khẩu sang Trung Quốc Xuất khẩu sầu riêng dự kiến khoảng trên 3 tỷ USD Sầu riêng Musang King giảm giá mạnh, "vua các loại sầu" giờ rẻ hơn cả Monthong |
Được coi là “vua trái cây”, sự bùng nổ nhu cầu của thị trường tỷ dân đối với sầu riêng khiến Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Trung Quốc hiện chiếm đến 91% nhu cầu sầu riêng toàn cầu.
Sầu riêng Việt Nam đang tạo nên cơn sốt trên thị trường quốc tế, đặc biệt là tại Trung Quốc. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển vị thế này, ngành sầu riêng cần vượt qua nhiều thách thức và tận dụng tối đa các cơ hội đang mở ra.
Về thị trường tiêu thụ, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 với kim ngạch đạt hơn 1,2 tỷ USD, tăng gần 46% so với cùng kỳ năm trước và chiếm đến 92,5% tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của cả nước. Việc Trung Quốc mở cửa thị trường cho sầu riêng Việt Nam đã tạo ra một làn sóng mới cho ngành nông nghiệp trong nước. Với mùa vụ chính đang đến gần, đây là cơ hội vàng để sầu riêng Việt Nam tăng tốc xuất khẩu. Điều này được chứng minh qua việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp mã số cho hơn 700 vùng trồng và gần 200 mã số nhà đóng gói. Diện tích được cấp mã số vùng trồng mới đạt khoảng 25.000 ha so với tổng diện tích trồng sầu riêng cả nước khoảng 150.000 ha.
Các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng cần nắm rõ quy định, yêu cầu của Trung Quốc. Ảnh: Vneconomy |
Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, diện tích được cấp mã số vẫn còn thấp và chưa tương xứng với tiềm năng sản xuất sầu riêng của Việt Nam. Việt Nam tiếp tục đề nghị phía Trung Quốc mở rộng thêm mã số vùng trồng.
Bên cạnh những cơ hội, ngành sầu riêng Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức. Điển hình là diện tích được cấp mã số vùng trồng vẫn còn thấp so với tiềm năng. Ngoài ra, việc sản xuất sầu riêng còn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm. Vì vậy, ngành sẽ không chỉ tập trung mở rộng vùng trồng và tăng diện tích mà đã đến lúc phải tập trung vào kiểm soát, quản lý chất lượng.
“Chất lượng không chỉ với sản phẩm sầu riêng mà cả về “chất lượng” trong nhận thức của người sản xuất, chế biến và xuất khẩu; ý thức tuân thủ các quy định, nâng cao chất lượng mã số được cấp ra để đảm bảo luôn đáp ứng được cái yêu cầu của nước nhập khẩu”, ông Nguyễn Quang Hiếu chỉ ra.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thời gian qua nhiều nhà vườn chạy theo số lượng hơn chất lượng vì giá, trọng lượng nên tồn tại tình trạng thu hoạch sầu riêng non. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU, Mỹ… đã có thói quen kiểm tra chất lượng trước khi xuất khẩu. Một số doanh nghiệp đã làm được điều này trước khi đưa sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ông Đặng Phúc Nguyên cũng khuyến cáo các hội viên kiểm soát tốt chất lượng, vì đó là thương hiệu của doanh nghiệp, là uy tín quốc gia, thương hiệu quốc gia.
Bên cạnh đó, định hướng của ngành nông nghiệp đối với sầu riêng là tổ chức lại cấu trúc, trong đó phải gắn kết được nông dân với doanh nghiệp. Đối với mã số vùng trồng sầu riêng, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sẽ có văn bản yêu cầu phải đi vào tiêu chuẩn, quy chuẩn, xóa bỏ tình trạng tự phát.
Các chuyên gia của Viện Cây ăn quả miền Nam khuyến cáo các điểm đóng hàng sầu riêng xuất khẩu cần cải tiến quy trình xử lý sau thu hoạch. Trong khi đó, Việt Nam đang cần bộ tiêu chuẩn quốc gia cho trái sầu riêng khi lưu thông trên thị trường, trong đó có xuất khẩu.
Muốn các tác nhân trong chuỗi giá trị trái cây nói chung và sầu riêng nói riêng được liên kết tốt, phải đảm bảo tiêu chuẩn và chế tài nghiêm. Cần tổ chức tốt chuỗi liên kết sản xuất thực chất từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý và kiểm dịch thực vật đến doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.
Sầu riêng Việt Nam được đánh giá là có lợi thế sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, đặc biệt khi vào vụ không bị cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan. Ngoài ra, một lợi thế của sầu riêng Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc là thời gian vận chuyển nhanh và giá thành cạnh tranh.
Đây là những yếu tố giúp cho sầu riêng Việt Nam tạo được bước tiến lớn tại thị trường Trung Quốc chỉ sau chưa đầy 2 năm được mở cửa tại thị trường này. Sầu riêng cũng là chủng loại quả xuất khẩu chính trong cơ cấu chủng loại quả xuất khẩu của Việt Nam. Việc đẩy mạnh xuất khẩu chủng loại trái cây này sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu chủng loại quả của Việt Nam tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển thị trường này một cách bền vững, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng từ tất cả các bên liên quan. Việc nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng chuỗi liên kết và đa dạng hóa sản phẩm là những giải pháp quan trọng để ngành sầu riêng Việt Nam phát triển bền vững.