Sầu riêng còn nhiều dư địa xuất khẩu sang Trung Quốc
Trung Quốc chi 350 triệu USD mua sầu riêng Việt Nam chỉ trong 1 tháng Sầu riêng xuất khẩu thu về gần 900 triệu USD |
Sầu riêng dẫn đầu kim ngạch trong nhóm rau quả xuất khẩu
Theo thống kê từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 1,5 tỷ USD. Trong đó, hơn 90% là sầu riêng tươi, nếu nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh được ký kết sớm trong năm nay, xuất khẩu loại quả này sang Trung Quốc sẽ còn tăng trưởng rất mạnh.
Theo đó, sầu riêng tiếp tục dẫn đầu kim ngạch trong nhóm rau quả xuất khẩu chủ lực của nước ta. Hiện, kim ngạch sầu riêng gấp gần 4 lần so với thanh long - loại quả từng giữ vị trí đầu bảng trong nhóm rau quả xuất khẩu. Chỉ trong tháng 5 và 6 vừa qua, sầu riêng đã thu về hơn 1 tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu.
Sầu riêng tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu mạnh mẽ nhất của Việt Nam sang Trung Quốc |
Sầu riêng quả tươi đã xuất khẩu sang 22 quốc gia và vùng lãnh thổ; sầu riêng đông lạnh là 23 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sầu riêng Việt Nam được tiêu thụ chính ở thị trường Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Hoa Kỳ...
Năm 2023 Việt Nam xuất khẩu hơn 603 nghìn tấn sầu riêng, Trong đó, xuất sang Trung Quốc hơn 595 nghìn tấn (chiếm 98,6%), kim ngạch xuất sầu riêng năm 2023 đạt 2,24 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đến hết quý I/2024 đạt gần 57.000 tấn với trị giá thu về 253 triệu USD, tăng 42% về lượng và tăng 63,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, sầu riêng Việt Nam có lợi thế với sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, nhiều thời điểm không bị cạnh tranh trực tiếp với sầu riêng Thái Lan. Thời gian vận chuyển nhanh và giá thành hợp lý, đặc biệt khi sầu riêng đông lạnh được kiểm soát chất lượng tốt hơn.
Cao điểm thu hoạch sầu riêng từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm và đây cũng là khoảng thời gian sầu riêng xuất khẩu tăng mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Phúc Nguyên, để đảm bảo uy tín hàng Việt, các doanh nghiệp cần tăng cường kiểm tra chất cấm ngay tại vườn và cơ sở đóng gói để không có lô hàng nào nhiễm chất cấm được xuất khẩu.
Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khuyến cáo các địa phương và doanh nghiệp cần giám sát chặt chẽ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, tránh tình trạng thu mua hàng hóa từ những nơi không được cấp phép, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp chân chính.
Dự báo năm 2024, diện tích sầu riêng cả nước khoảng 151.000 ha; sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn. Để đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu, thời gian tới, các địa phương có sầu riêng sẽ tập trung thực hiện các giải pháp: Nâng cao năng lực quản trị, tổ chức sản xuất của hợp tác xã, tổ hợp tác để quản lý tốt mã số vùng trồng.
Lực lượng liên ngành có sự phối hợp chặt chẽ, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, gian lận thương mại; Tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo nguyên tắc 4 đúng và chỉ thu hoạch sầu riêng khi đảm bảo độ chín.
Cơ quan chức năng, doanh nghiệp chủ động kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và một số kim loại nặng; Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm sầu riêng; Kiểm tra về pháp lý thương nhân để ngành sầu riêng đi vào hoạt động ổn định, thuận lợi cho việc sản xuất, kinh doanh xuất khẩu sầu riêng bền vững.
Trung Quốc vẫn tăng mua sầu riêng Việt Nam. Song, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) cũng khuyến cáo các địa phương và doanh nghiệp cần giám sát chặt mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, tránh ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.
Theo tính toán, với sản lượng sầu riêng của nước ta, năm nay xuất khẩu loại quả này sẽ đạt 3 tỷ USD. Nếu ký được nghị định thư xuất khẩu sầu đông lạnh, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt khoảng 3,5 tỷ USD.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thông tin năm 2023, Trung Quốc chi khoảng 1 tỉ USD để nhập khẩu sầu riêng đông lạnh nên khả năng năm đầu tiên tham gia thị trường Trung Quốc, Việt Nam có thể xuất được 300 - 500 triệu USD/năm.
"Tương lai, Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu sầu riêng đông lạnh tách múi để dùng cho chế biến vì giảm chi phí vận chuyển do loại bỏ vỏ từ đầu nguồn. Doanh nghiệp Việt xuất khẩu sản phẩm đông lạnh cũng đỡ áp lực trong tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật (các sinh vật có nguy cơ gây hại đi kèm quả tươi) và có thể bán vào sâu trong nội địa Trung Quốc nhờ thời gian bảo quản dài" - ông Nguyên đánh giá.
Báo cáo 6 tháng đầu năm 2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy sầu riêng tiếp tục là cây ăn quả có sự tăng trưởng nóng về diện tích với 153.900 ha, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng sầu riêng thu hoạch nửa đầu năm 2024 ước đạt 487.700 tấn, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu sầu riêng có thể tăng trong các tháng tới khi vùng trồng lớn nhất cả nước là Tây Nguyên thu hoạch. Không chỉ sản lượng lớn, giá sầu riêng từ tháng 7 cũng ở mức cao do vùng trồng Tây Nguyên chủ yếu trồng sầu riêng Monthong và thời điểm này Thái Lan đã hết mùa khiến nguồn cung bị thu hẹp.
Giá sầu riêng tăng vọt lên hơn 20.000 đồng/kg
Ngày 6/7, các vựa thu mua sầu riêng xuất khẩu thông báo giá thu mua sầu riêng Monthong (còn gọi là Dona) là 104.000 – 106.000 đồng/kg (loại 1) và 84.000 – 86.000 đồng/kg (loại 2) và sầu riêng Ri 6 là 62.000 – 64.000 đồng/kg (loại 1) và 47.000 – 49.000 đồng/kg (loại 2).
So với cách đây nửa tháng, giá sầu riêng Monthong tăng hơn 20.000 đồng/kg còn sầu riêng Ri6 tăng 2.000 – 4.000 đồng/kg.
Chủ một vườn sầu riêng Monthong 2 ha gần TP. Buôn Mê Thuột, cho biết ngày nào họ cũng hồi hộp xem giá sầu riêng dù khoảng 45 ngày nữa mới đến ngày thu hoạch.
Năm ngoái, họ bán xô sầu riêng tại vườn là 84.000 đồng/kg, nay thương lái đến đặt cọc 80.000 đồng/kg nhưng họ chưa nhận. Năm nay gặp hạn hán đầu năm nên sản lượng dự kiến chỉ bằng 70% năm ngoái.
Phó trưởng Cơ quan phụ trách phía Nam Hội Làm vườn Việt Nam (VACVINA), xác nhận giá sầu riêng đang tăng mạnh là do đứt lứa. Vùng trồng Đông Nam Bộ đang cuối mùa, sầu riêng Tây Nguyên thì mới vào đầu vụ nên sản lượng sụt giảm, đẩy giá tăng cao. Ngoài ra, do năm nay hạn hán, sầu riêng bị mất mùa, tỉ lệ trái đạt loại 1 và 2 ít hơn các năm dẫn đến giá sầu riêng đạt chuẩn xuất khẩu ở mức cao.
Do năm nay diện tích sầu riêng mới đi vào khai thác tăng nên về tổng thể sản lượng sầu riêng thu hoạch vẫn tăng. Dù vậy, tỉ lệ sầu riêng không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu khá nhiều và phải bán với giá thấp.
Ở góc độ doanh nghiệp xuất khẩu, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Toàn Thắng, lại cho rằng việc giá sầu riêng tăng cao như hiện nay do có hiện tượng đầu cơ, đặc biệt là sầu riêng Monthong.
Một số đầu mối trong nước tham gia thị trường sầu riêng và đẩy giá nội địa lên cao. Nhiều trường hợp giá sầu riêng Monthong tại Việt Nam còn cao hơn giá tại chợ đầu mối của Trung Quốc. Điều này là không hợp lý, gây khó cho nhu cầu tiêu dùng sầu riêng thật.