Bệnh viện thiếu thuốc, hiệu thuốc “bao nhiêu cũng có”
Chứng kiến một câu chuyện đến chảy nước mắt liên quan đến tình trạng bệnh viện thiếu thuốc mới đây, người ta không khỏi day dứt.
Một cháu bé bị bỏng nặng, nằm điều trị tại một bệnh viện tuyến trung ương. Khi thay băng, cạo lớp da hoại tử song do bệnh viện hết thuốc Ketamin (một dạng thuốc gây mê) nên bác sĩ buộc lòng phải "cạo sống".
Để bác sĩ có thể dùng nhíp cạo da, phải cần đến hai người đàn ông lực lưỡng khóa chặt tay chân cháu. Tuy nhiên, sau một hồi vật lộn, cháu bé đau quá đã rơi vào mê sảng, co rút cơ lưỡi... Thương con quá, gia đình đành phải nhờ các mối quan hệ bên ngoài để tìm kiếm thuốc nhưng quy định không được dùng thuốc bên ngoài như một vòng “kim cô” vừa làm khó cho bác sĩ điều trị, vừa khiến cho cơn đau của bệnh nhi tăng thêm cấp độ
Cái tình huống “tiến thoái lưỡng nan” này đã không còn là câu chuyện hiếm nữa tại nhiều bệnh viện.
Ảnh minh hoạ |
Cũng liên quan tới tình trạng bệnh viện thiếu hoặc hết thuốc trong khi tại các hiệu thuốc đang “bao vây” quanh các bệnh viện thì lại chứng kiến một cảnh ngược lại: Ở đây thuốc gì cũng có, mua bao nhiêu cũng có, miễn là đủ tiền. Và điều này cũng hoàn toàn đúng với các những loại thuốc đặc hiệu, đã có hẳn những quy định tưởng như không thể chặt chẽ hơn từ khâu sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bảo quản, kê đơn, cấp phép, sử dụng.
Một loại thuốc gây mê khác được nhiều người biết tới là morphin.
Ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh mới đây cho thấy, việc mua bán morphin vẫn diễn ra rầm rộ, dễ như mua rau, thậm chí có nhiều cá nhân mạo danh bệnh viện để mua, bán. Cùng đó tình trạng mua bán thuốc morphin cho người bệnh diễn ra công khai. Tất nhiên là thuốc cũng sẽ được bán với giá cắt cổ.
Trong khi đó, do quy định chặt chẽ nên hiện nay mỗi tỉnh chỉ có một vài nhà thuốc đăng ký bán loại thuốc này. Ngoài việc giám sát từ sở y tế, thuốc gây nghiện còn được quản lý bởi Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy của các địa phương.
Trước những phản ánh về tình trạng trên, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã phải vào cuộc với việc cho biết sẽ phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm trường hợp mua bán morphin trái phép.
Lâu nay tình trạng bệnh viện thiếu thuốc, hết thuốc để điều trị nhất là trong những tình huống khẩn cấp như câu chuyện được nêu ở trên trong khi tại các hiệu thuốc tư nhân lại có thể dễ dàng mua được như mua rau đã là căn bệnh trầm kha, dai dẳng. Trong khi các hiệu thuốc tư nhân sống khoẻ thì tại nhiều bệnh viện thuốc đặc trị thiếu không nói làm gì nhưng ngay cả với thuốc bình thường (như câu chuyện về thuốc Ketamin ở trên) mà thiếu hoặc hết thì là điều khó hiểu. Một số người cho rằng một nguyên nhân của vấn đề này có thể nằm ở danh mục chi trả “phần trăm” cho các khoa ban trong bệnh viện của các hãng thuốc và vật tư y tế..
Chính phủ và các bộ chức năng đã có nhiều nỗ lực để giải quyết vấn đề bệnh viện thiếu thuốc bằng các văn bản mà gần đây nhất là Nghị định số 07/2023/ND-CP ngày 03/3/2023 và Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 03/3/2023. Ý kiến của các bệnh viện đều cho rằng, ngành y tế là ngành cung cấp dịch vụ có điều kiện, tính chất đặc thù rất cao để mua được máy móc, thuốc, vật tư. Vì vậy, cần có “các quy định mua sắm mang tính đặc thù cho một nghề nghiệp đặc thù”. Cùng đó cần có các quy định cụ thể để các bệnh viện, các bác sĩ không còn mang nặng tâm lý “ngại, sợ” trong đấu thầu.
Riêng với những thuốc hiếm, thuốc ít sử dụng cho bệnh nhân, nhiều ý kiến cho rằng nên có một trung tâm dự trữ, điều phối cấp quốc gia, bệnh viện nào cần thì liên hệ lấy thuốc, giúp bệnh nhân kịp thời điều trị trong thời gian "vàng", thay vì từng nơi tự chủ động dự trữ như hiện nay.