Bỏ hoang cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức: Trách nhiệm thuộc về ai?
Khởi công cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức GS.TS Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Vinh quang và áp lực của ngành y Tự chủ toàn diện, vì sao các bệnh viện chưa mặn mà? |
Chờ ngày gia hạn, có còn đội vốn?
Tới nay, dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và dự án cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức dù đã thi công được gần như hoàn toàn (cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai thi công được 98%, cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức được 86%) nhưng đang bị bỏ hoang nhiều năm nay. Đây là dự án lãng phí nguồn lực nhà nước điển hình khiến nhiều cử tri và người dân búc xúc.
Bỏ hoang cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức: Trách nhiệm thuộc về ai? |
Ông Lê Quang Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án Y tế trọng điểm (Bộ Y tế) cho biết, các dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức ban đầu có thời hạn thực hiện 2014-2016, tuy nhiên với khối lượng công việc lớn nên không thể thực hiện và được điều chỉnh thời hạn thực hiện.
“Thực chất dự án này bị chậm từ năm 2021 đến nay thôi. Dự kiến hết năm nay sẽ thực hiện hết các thủ tục, trong năm 2024 chỉ thi công, chắc trong năm 2025 sẽ hoàn thành dự án. Sơ bộ là như vậy”, ông Minh cho biết.
Dự án này gồm nhiều hợp phần như: xây lắp, thiết bị, đào tạo, và nhân lực, dù chưa hoàn thành xong hợp phần xây lắp, và kéo dài nhiều năm như trên nhưng Phó giám đốc Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm vẫn khẳng định dự án này chắc chắn sẽ không đội vốn, không vượt tổng mức đầu tư.
“Thực ra trong dự án có phần dự phòng và chưa thanh toán cho các nhà thầu, mà chỉ tạm ứng thôi, nhưng giá trị sẽ không vượt tổng mức đầu tư. Tổng mức đầu tư bao gồm 5 gói, ngoài xây lắp còn có các gói khác”, ông Minh nói.
Dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức bỏ hoang lãng phí nhiều năm |
Bên cạnh đó, hệ lụy của việc chậm tiến độ dự án cũng khiến các nhà thầu bị “vạ lây”. Một số nhà thầu cho biết, do dự án bị tạm dừng, kéo dài nhiều năm nay ảnh hưởng lớn đến kế hoạch hoạt động cũng như kinh phí quản lý. Bởi hiện nay các nhà thầu vẫn phải duy trì và bỏ ra các chi phí hàng tỷ đồng mỗi tháng liên quan đến hợp đồng, bảo trì, bảo dưỡng công trình đã thực hiện nhưng chưa được nghiệm thu thanh toán. Dự án kéo dài nhiều năm vô hình chung thiệt hại lớn cho nhà thầu, trách nhiệm thuộc về ai?
Về việc này ông Minh cũng khẳng định do chưa bàn giao nên nhà thầu tự phải quản lý. “Phí duy trì của ai người đó vẫn đang phải chịu. Của nhà thầu thì nhà thầu phải chịu, của chủ đầu tư thì chủ đầu tư phải chịu”, ông Minh nói.
Để giải quyết vướng mắc của dự án, ngày 21/2/2023, Thủ tướng đã thành lập tổ công tác rà soát khó khăn, với sự tham gia của Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp.
Tại phiên giải trình Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, đến nay, tổ công tác đã có 3 báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án và đề xuất các phương án để cho phép kéo dài thời gian bố trí thực hiện dự án đến hết ngày 31/12/2025. Đồng thời, đề nghị bổ sung cân đối vốn để tiếp tục thực hiện dự án.
Sai ngay từ khâu thiết kế
Được biết, ban đầu nhà thầu được chọn lập thiết kế cơ sở là Công ty VK Studio Architects, Planners and Designers (Bỉ) và Viện Trang thiết bị và công trình y tế. Tuy nhiên, theo kết luận kiểm tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2019, quá trình triển khai các dự án này được điều chỉnh thiết kế nhiều lần. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến dự án chậm tiến độ.
Nhiều năm nay cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức bỏ hoang chưa hẹn ngày hoạt động. |
Cụ thể dự án: Thay đổi phương án xử lý nền móng từ phương án cọc khoan nhồi sang phương án ép cọc bê tông cốt thép đúc sẵn; Thay đổi vị trí, diện tích một số khoa, phòng; Điều chỉnh bổ sung hạng mục như khu nội trú, khu trị xạ,… Điều chỉnh tăng diện tích sàn so với thiết kế cơ sở được duyệt. Cụ thể, bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 điều chỉnh tăng 3.728m2; Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tăng 5.323m2.
Đối với khối nhà chính phần kiến trúc và kết cấu bắt đầu triển khai từ cuối quý II/2015 do tư vấn là Công ty VK thực hiện thiết kế kiến trúc, phần kết cấu do Công ty tư vấn xây dựng dân dựng Việt Nam – VNCC và Công ty tư vấn Đại học Xây dựng – CCU thực hiện hai dự án này. Các hạng mục kiến trúc và kết cấu nhà chính đã được thẩm tra, thẩm định và được Bộ Y tế phê duyệt vào tháng 12/2016. Tuy nhiên, đến tháng 8/2017 phần thiết kế kiến trúc được Ban Quản lý dự án trọng điểm - Bộ Y tế phê duyệt điều chỉnh.
Mặt khác dự án được quản lý không theo loại hợp đồng đã được quy định (không theo hình thức EPC và cũng không theo mô hình truyền thống) gây nên nhiều khó khăn cho việc tổ chức quản lý, điều hành dự án. Các gói thầu được ký chỉ theo hợp đồng dạng hợp đồng khung, nội dung chi tiết được triển khai theo phụ lục và giá chi tiết hợp đồng được xác định sau khi có dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt gây nhiều khó khăn trong khâu quyết toán.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, trong khi các dự án phải điều chỉnh tăng quy mô (tăng diện tích sàn), điều chỉnh tăng công năng nên Bộ Y tế chỉ đạo Ban Quản lý dự án rà soát lại tổng mức đầu tư, vì vậy, nhiều hạng mục phải điều chỉnh lại, thiết kế đất lại để phù hợp với nguồn vốn nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu của dự án và các tiêu chí kỹ thuật dẫn đến việc lập dự toán, thẩm tra, thẩm định dự toán các hạng mục gặp rất nhiều khó khăn.
Điều này cho thấy vấn đề của 02 dự án gặp phải ngay từ khi mới bắt đầu trong công tác lập dự án, tư vấn thiết kế, thẩm định hai dự án nên đã kéo theo nhiều hệ lụy, rắc rối, trong công tác thanh toán, giải ngân, dẫn đến dự án phải tạm dừng triển khai.
Về trách nhiệm dẫn đến dự án phải điều chỉnh thiết kế ông Lê Quang Minh Phó Giám đốc Ban Quản lý khẳng định không phải do Công ty thiết kế VK.
“Cái đấy người ta chẳng có trách nhiệm gì, vì mình yêu cầu gì người ta làm cho mình như thế. Sau này mình điều chỉnh là việc của mình. Chứ không phải là do người ta sai hay gì”, Ông Minh nói.
Ông Minh cho biết thêm: “Trong quá trình làm, phía Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức có yêu cầu một số cái thế này, thế kia thì mình điều chỉnh thôi, đấy cũng là chuyện bình thường. Quá trình thiết kế bệnh viện hiện đại quá cho nên có nhiều cái họ yêu cầu điều chỉnh cho phù hợp. Ban tiếp nhận và báo cáo Bộ, Bộ cũng đồng ý. Thực ra lúc đầu chưa ai hình dung ra hết!”
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, dự án này đầu tư theo hình thức “chìa khóa trao tay”, nên tất cả chuyện mua sắm, đấu thầu, tổ chức, triển khai là do Bộ Y tế. Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức là 02 đơn vị thụ hưởng Đề án. Cho tới hiện nay chưa bàn giao gì cho bệnh viện.
“Tất cả Ban Quản lý dự án trọng điểm Y tế làm hết, các bệnh viện không tham gia gì vào. Việc này cũng vắt qua nhiều thời kỳ của các giám đốc cũ” - ông Hùng cho biết.
Ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng khẳng định chỉ là đơn vị thụ hưởng, và cho biết bệnh viện đang chuẩn bị nguồn nhân lực sẵn sàng tiếp nhận cơ sở 2 để đưa vào hoạt động phục vụ người bệnh, do cơ sở 1 đã quá tải.
Trong khi tình trạng quá tải tại Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức diễn ra nhiều năm nay, thì dự án cơ sở 2 các bệnh viện này đang bỏ hoang lãng phí |
Truy vấn trách nhiệm từng thời kỳ
Trao đổi với Báo Công Thương về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc nghiên cứu, thực hiện một dự án lớn, trọng điểm như các dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức phải được đánh giá kỹ càng, khoa học, tổng thể, thiết kế phù hợp với nhu cầu, công năng,… Nếu việc nghiên cứu, đánh giá một cách sơ sài, vội vã thì sẽ để lại hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế, Chính trị Thế giới đánh giá, đây là 02 dự án gây rất lãng phí, bức xúc cho người dân nhiều năm nay, nhưng không chỉ có 02 dự án này mà nhiều Bộ, ngành, địa phương hiện nay còn rất dự án xây xong bỏ hoang, hoặc dùng không hết công suất, nhưng chưa được xử lý, xem xét xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân. Ẩn sau đó, tham nhũng là một phần, nhưng lãng phí tài sản nhà nước cũng không kém, và còn rất lớn.
“Theo tôi Chính phủ cần có một đoàn để thanh kiểm tra tất cả các Bộ, ngành, địa phương xác định rõ những dự án nào hiện nay lãng phí, xử lý trách nhiệm vi phạm. Đồng thời Nhà nước phải có phương án để sử dụng đất đai, tài sản đó”. - PGS.TS Võ Đại Lược nói.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, để xảy ra tình trạng này các dự án đã sai ngay từ ý tưởng đầu tư, khảo sát, thiết kế.
“Nếu như quay lại những người làm công tác quy hoạch dự án, bố trí khảo sát dự án, thăm dò ban đầu. Rõ ràng các vị thời trước đã có những tính toán sai, nếu mà nói là phải xem xét, kỷ luật”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, với sự sát sao rõ ràng Thủ tướng Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý nhà nước đã có những yêu cầu, biện pháp mong đưa 2 bệnh viện này vào hoạt động nhưng còn nhiều khó khăn. Do đó việc làm thế nào để 2 bệnh viện này quay trở lại hoạt động được, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh là hết sức cần thiết. Là điều chúng ta, Chính phủ cùng mong muốn.