Nhiều năm qua, Việt Nam nhập khẩu gạo từ các nước Ấn Độ, Myanmar, Pakistan, Campuchia để đáp ứng nguồn cung trong việc sản xuất bún, bánh và thức ăn chăn nuôi. Nguyên nhân do, nông dân Việt Nam chuyển dần sang trồng các giống gạo thơm, giá trị gia tăng cao.
Trong khi để làm bún, bánh và thức ăn chăn nuôi, cần gạo có giá mềm, phân khúc thấp. Việt Nam phải nhập gạo tấm từ Ấn Độ hay một số nước khác để bù lại nguồn cung, vừa duy trì năng lực sản xuất, vừa giúp gạo Việt Nam không tăng giá lên cao do yếu tố cung cầu.
Chính vì vậy, việc Ấn Độ gỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo 100% tấm sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chế biến bún, bánh, thức ăn chăn nuôi nhập khẩu gạo với mức giá thấp hơn, bù đắp khoảng trống gạo phân khúc thấp.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Việt Nam nhập khẩu 1,24 triệu tấn lúa gạo chỉ trong 2 tháng đầu năm 2025. Trong số này, có 1,14 triệu tấn lúa nhập từ Campuchia; tương đương khoảng 600.000 tấn gạo. Lượng lúa gạo nhập về Việt Nam chủ yếu để chế biến bún, phở, bánh, làm thức ăn chăn nuôi…
Việc cung cấp gạo từ nguồn cung Ấn Độ được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam đa dạng đầu vào nguồn nguyên liệu để chế biến một số thực phẩm phục vụ cả tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Từ đó giảm chi phí, tăng cường năng lực xuất khẩu và cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế.