Bạn có tin người lớn "móc hầu bao" hàng trăm tỷ đồng chỉ để mua... đồ chơi? Nghe có vẻ khó tin, nhưng đó là sự thật đang diễn ra trên thị trường Việt Nam, với tâm điểm là cơn sốt "art toys" (đồ chơi nghệ thuật) như Labubu và Baby Three.
Từ nửa cuối năm 2024, những món đồ chơi tưởng chừng chỉ dành cho trẻ con này đã "gây bão" trên mạng xã hội, trở thành "gà đẻ trứng vàng" cho giới kinh doanh, đặc biệt là trên các sàn thương mại điện tử.
Theo thống kê từ YouNet Media, Labubu và Baby Three đã tạo ra 3,12 triệu lượt thảo luận từ 1,5 triệu người dùng trên khắp các mạng xã hội chỉ trong 6 tháng cuối năm 2024. Cơn sốt này được "châm ngòi" bởi chính cộng đồng mạng. Chẳng hạn, Labubu "bỗng dưng nổi tiếng" toàn cầu sau khi được ca sĩ Lisa "lăng xê" vào tháng 4/2024.
![]() |
Tính tổng doanh thu cả 4 loại đồ chơi đang nổi đình đám hiện nay là gần 200 tỷ đồng. Ảnh minh hoạ |
Tại Việt Nam, sức hút của Labubu được "tiếp lửa" bởi dàn sao Việt đình đám như Thanh Hằng, Bảo Thy, Á hậu Huyền My, khi họ liên tục khoe bộ sưu tập và cách phối đồ cùng Labubu, biến món đồ chơi này thành "hot trend".
Tiếp đó, các TikToker "tham chiến" với những buổi livestream "đập hộp mù" Labubu, khiến cụm từ "xé túi mù", "đập hộp mù" trở thành "từ khóa vàng" trên mạng xã hội. Lượng thảo luận về chủ đề này liên tục tăng trưởng trên Facebook và TikTok, đạt hơn 390.000 lượt trong nửa cuối năm.
Theo Metric.vn, mạng xã hội chính là bệ phóng cho cơn sốt mua sắm trên các sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, chính bản thân trào lưu "túi mù", "hộp mù" Labubu và Baby Three cũng mang những đặc điểm riêng biệt, tạo nên sức hút khó cưỡng.
"Điều tạo nên sự hấp dẫn của cơn sốt túi mù nằm ở chỗ người chơi chỉ biết hình dáng và màu sắc cụ thể của các món đồ chơi cho đến khi tự tay xé chiếc túi ra xem", đại diện Metric chia sẻ. Hay như Labubu, đồ chơi này lên xu hướng chủ yếu nhờ thiết kế độc đáo và số lượng giới hạn, tạo nên sự khao khát trong cộng đồng sưu tầm.
Báo cáo từ YouNet ECI cho thấy, trong nửa cuối năm 2024, đã có 293.000 sản phẩm liên quan đến Labubu và Baby Three được bán ra trên 30 nhà bán nổi bật của Shopee và TikTok Shop. Tính trung bình, mỗi tháng có gần 49.000 sản phẩm liên quan đến hai sản phẩm này được người Việt mua sắm.
Tổng quan hơn, trên 5 sàn thương mại điện tử phổ biến (Shopee, Lazada, Tik Tok Shop, Tiki, Sendo), Metric chỉ ra rằng người Việt đã "mạnh tay" chi hàng trăm tỷ đồng để thỏa mãn thú vui sưu tầm art toys.
Đơn cử như với Capybara, đồ chơi này bắt đầu gây sốt trên mạng xã hội từ giữa năm 2024, sau đó nhanh chóng được bán trên các sàn thương mại điện tử và giúp các nhà bán hàng thu về 41,7 tỷ đồng trong cả năm 2024. Tiếp đến là trào lưu túi mù, dù chỉ mới bùng nổ doanh số từ tháng 7/2024 nhưng hết năm 2024, các nhà bán hàng đã thu về tới 89 tỷ đồng.
Tương tự với Labubu, đồ chơi này cũng bắt đầu rộ lên bán online từ tháng 7, đạt doanh số cao nhất vào tháng 8/2024. Doanh thu cả năm của Labubu vượt mức 27 tỷ đồng.
Cao hơn cả doanh thu Labubu chính là Baby Three. Những con thú nhồi bông có nguồn gốc từ Trung Quốc này vốn chỉ mới rộ lên từ tháng 9/2024 song doanh số cả năm thu về lại đạt ngưỡng 40,6 tỷ đồng.
Tính tổng doanh thu cả 4 loại đồ chơi đang nổi đình đám hiện nay là gần 200 tỷ đồng.
Rõ ràng, cơn sốt art toys không chỉ là một trào lưu nhất thời, mà còn là một "mỏ vàng" tiềm năng cho giới kinh doanh. Liệu trào lưu này sẽ còn tiếp diễn đến bao giờ? Và những "ngôi sao" art toys nào sẽ tiếp tục "lên ngôi" trong tương lai? Câu trả lời vẫn đang ở phía trước.